Sự hoài nghi của nhà đầu tư tăng cao, cộng với đề nghị của đội
ngũ quản lý cao cấp đang trong tình trạng lo lắng cuối cùng cũng
đã thuyết phục được Bezos chuyển hướng điều hành. Thay vì Trở
nên lớn mạnh nhanh chóng, công ty thực hiện hướng điều hành mới:
Sắp xếp ngôi nhà của chúng ta theo trật tự. Khẩu lệnh hành động
bao gồm: kỷ luật, hiệu quả và triệt tiêu lãng phí. Công ty phát triển
nhanh chóng từ 1.500 nhân viên năm 1998 đến 7.600 vào đầu năm
2000, và giờ đây, Bezos đồng ý rằng công ty cần hoạt động chậm
và chắc hơn. Việc ra mắt phân nhóm sản phẩm mới chậm lại, và
Amazon chuyển cơ sở hạ tầng công nghệ sang dựa vào hệ điều hành
miễn phí Linux. Công ty bắt đầu điều hành hiệu quả hoạt động của
các trung tâm phân phối khắp đất nước. “Công ty đưa ra nhiều
cải tiến sáng tạo bởi vì điều kiện bắt buộc phải làm vậy,” Warren
Jenson nói.
Tuy nhiên, vụ vỡ bong bóng dot-com gây ảnh hưởng lớn đến nội
bộ công ty. Nhân viên chấp nhận làm việc không ngừng và hi sinh kỳ
nghỉ cùng gia đình để đổi lại cơ hội giàu có trong tương lai. Giá cổ
phiếu sụt giảm chia đôi công ty. Nhân viên gia nhập từ thời kỳ đầu
vẫn giàu có (mặc dù họ cũng kiệt sức). Còn nhiều nhân viên gia nhập
sau đó giữ quyền chọn mua cổ phiếu mà vào thời điểm đó không có
giá trị gì.
Thậm chí, các nhà quản lý cấp cao cũng dần vỡ mộng. Trong
năm đó, ba quản lý cấp cao cùng nhau họp bí mật để lập ra danh
sách tất cả những thành công và thất bại của Bezos. Trong cột thất
bại bao gồm: Dịch vụ Đấu giá, zShops, đầu tư mạo hiểm vào các
công ty dot-com khác và danh sách hầu hết các vụ mua bán sáp
nhập của Amazon. Danh sách thất bại dài hơn nhiều so với thành
công, mà tại thời điểm đó dường như chỉ dừng lại ở sách, âm nhạc và
đĩa DVD. Tương lai của những phân nhóm mới như đồ chơi, dụng cụ
và đồ điện tử vẫn còn là dấu chấm hỏi.