đều mang những màu sắc và đặc điểm cô thích. Anh chỉ được tư vấn giá cả
cho cô mà thôi.
Có lẽ cánh đàn ông đều thế cả. Trên thực tế, anh chưa từng gặp anh
chàng nào quá kỹ tính khi mua đồ nội thất hay để ý các họa tiết của thảm
trải sàn. Chỉ có những người sành sỏi là thường quan tâm đến những món
đồ trang trí nội thất. Nhưng mặt này vẫn liên quan đến vấn đề tuổi tác.
Ngày nay những người trên dưới hai mươi tuổi sống trong những căn hộ
nhỏ thường dành hàng giờ liền nhắm chỗ đặt đồ nội thất lẫn các món đồ lặt
vặt. Nhưng vì chẳng có tay cảnh sát mới vào nghề nào ở Cục lại đi hỏi
những điều này, anh chỉ có thể tự suy luận mà thôi.
Xem những bức hình trên các báo, các catalog chào bán qua mạng hay
chương trình quảng cáo trên tivi của các cửa hàng lớn, có cảm giác như
ngày nay những món hàng đẹp đẽ trên thị trường được sản xuất không
ngừng. Chỉ cần xem là muốn mua ngay lập tức. Chìa một tấm thẻ ở quầy
thu ngân và ký tên lên tờ hóa đơn nhỏ xíu là thói quen dễ mắc phải. Ai lại
không muốn nhặt ở chỗ này một ít, chỗ kia thêm ít nữa chứ? Xét đến cùng
bản chất ai cũng đều thế cả.
Chẳng có gì nhắc nhủ người ta lúc nào thì nên dừng lại. “Rất đẹp, đúng
không? Anh cũng rất thích, phải không nào? Vậy thì mua đi thôi, chần chừ
gì nữa!” ước vọng bao giờ cũng dễ bùng lên, nhưng ai sẽ là người nhắc anh
về món tiền ngất ngưởng phải trả cuối tháng, hoặc thì thầm “Hôm nay mua
sắm chừng đó là đủ rồi”.
Tất nhiên từ góc nhìn của người bán hàng, những điều đó chỉ là đám tẹp
nhẹp. “Ai có thời gian chứ?” Họ sẽ nói thế. “Ai rỗi hơi đi lo cho những
người không biết tự kiềm chế.”
Điểm dừng đầu tiên ở Ueno khá thưa vắng. Con tàu sớm chuyển bánh trở
lại. Hết đường ngầm, tàu trở lên mặt đất, lao vun vút qua những tòa nhà cao
tầng. Tiếng loa thông báo điểm dừng tiếp theo, kèm theo thông tin về xe
đẩy hàng phục vụ cơm tối.