Bên ngoài ô cửa, Tokyo nhanh chóng lùi lại sau lưng.
Honma nhớ lại cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa anh với Sawagi, cô
gái ở văn phòng luật sư Mizoguchi. Cô nói rằng tính đến giờ cô đã làm việc
cho Mizoguchi được mười năm, ngay từ dạo “khủng hoảng tài chính tiêu
dùng” đầu thập niên tám mươi.
“Thời gian đó bản sửa đổi của bộ Luật Kinh doanh Tiền vay được ban
hành, trước đó ngành kinh doanh này cực kỳ khắc nghiệt. Bộ luật được
thông qua chủ yếu là bởi người dân yêu cầu chính phủ phải có động thái gì
đó. Bản thân luật sư Mizoguchi cũng hay bị đe dọa khi ông đòi hỏi các chủ
nợ thôi giục nợ. Một cộng sự của luật sư Mizoguchi lúc đó thậm chí còn bị
bắn ngay trước cổng nhà. Phải nói là trời phù hộ nên ông ấy không bị
thương.” Vô số kẻ mang nợ cũng khốn đốn. Nhưng đa phần bọn họ không
dám kêu than, thường chỉ khóc thầm hằng đêm.
“Nếu có ai đe dọa, chỉ việc gọi 110 xin giúp đỡ, phải không nào? Đúng
vậy, sẽ có cảnh sát đến nhà anh. Nhưng chỉ cần nói về các khoản nợ, viên
cảnh sát sẽ lập tức không muốn nghe thêm nữa. Bọn đầu gấu đâu có ngốc.
Bọn chúng chẳng để lại thứ gì có thể coi là chứng cứ chống lại chúng.
Chúng chỉ ra sức thâu tóm các món nợ, hoặc là giả vờ tỏ vẻ như thế. Bởi
vậy cảnh sát cũng chẳng biết làm gì hơn.”
Honma đã thừa biết trạng thái ngại ngần không muốn bị dính líu của
cánh cảnh sát. “Không can thiệp vào những tranh chấp riêng tư, chẳng phải
người ta vẫn nói vậy sao?”
Sawagi bật cười. “Chính xác đấy ạ. Mặc dù có trời mới biết, con người ta
vốn thích xen vào việc của người khác. Cháu nhớ có người đã đến văn
phòng luật rồi la hét rằng, ‘Nếu tôi cứ đối mặt và bị giết, có thể các ông sẽ
khiến bọn họ phải để tâm, phải không?’ Thứ duy nhất có mức tăng tiến mà
cháu nhận thấy chính là ngày nay đa phần những người mắc nợ và xin
tuyên bố phá sản đều thuộc lứa tuổi thiếu nên và thanh niên. Ở vào tuổi ấy,
người ta có thể bắt đầu lại từ đầu nếu buộc phải làm thế. Ít nhất thì khoản
nợ chưa trả được của họ cũng không làm tan nát một gia đình. Trong khi