LỜI GIỚI THIỆU
(1622-1673) là một trong những nhà văn lỗi lạc nhất của chủ
nghĩa cổ điển Pháp và của cả nền văn học Pháp. Hài kịch của Môlie, từ ba
thế kỷ nay vẫn được nhân dân Pháp và nhân dân thế giới ham thích và ca
ngợi. Ngay từ khi Môlie còn sống, Boalô, nhà phê bình và nhà lý luận của
chủ nghĩa cổ điển, đã nhận định rằng tên tuổi của Môlie là vinh quang lớn
nhất của thế kỷ XVII. Các nhà văn Nga như Puskin, Gôgôn, Biêlinxki đánh
giá rất cao mặt hiện thực sâu sắc trong sự nghiệp sáng tác của nhà viết hài
kịch vĩ đại Pháp. Lép Tônxtôi gọi Môlie là “nhà hoạ sĩ giỏi nhất” của thời
đại.
Môlie là người sáng lập nền hài kịch dân tộc Pháp. Ông đã hy sinh cả
cuộc đời ông cho một loại hình văn học lúc ấy bị khinh miệt; Ông đã nâng
cao nó lên, biến nó thành một loại văn có giá trị xã hội lớn lao, thành một
vũ khí chiến đấu sắc bén, được đông đảo quần chúng yêu mến.
Ông đã lấy sức mạnh của cái cười khoẻ khoắn, đầy tinh thần lạc quan,
yêu đời trong nhân dân, nâng cái “trò hề” bị khinh rẻ lên đến mức trào
phúng sâu sắc, thâm trầm, thể hiện được khá đầy đủ xã hội Pháp thế kỷ
XVII trong những bức tranh hiện thực đầy sinh lực.
Cùng với những nhà viết bi kịch nổi tiếng Cornây, Raxin, nhà thơ châm
biếm và nhà lý luận của chủ nghĩa cổ điển Boalô, nhà viết ngụ ngôn lớn
nhất trên thế giới La Fôngten, Môlie đã góp phần nâng nghệ thuật văn học
và ngôn ngữ Pháp lên một trình độ cao hơn, so với những thế kỷ trước.
Từ đầu thế kỷ XVII, văn học Pháp bước vào một giai đoạn phát triển
mới, sự hình thành của chủ nghĩa cổ điển. Văn học cổ điển Pháp đóng góp
một phần quan trọng vào kho tàng văn học của nhân loại. Chủ nghĩa cổ điển
Pháp ra đời và phát triển trong lòng nền quân chủ chuyên chế đã đạt tới
mức huy hoàng không thấy ở bất cứ một nước nào ở châu Âu. Chủ nghĩa cổ
điển Pháp là chủ nghĩa cổ điển điển hình của nền văn học cổ điển thế giới.