được với vẻ đẹp của chúng cả. Chẳng bao giờ có bức họa nào mang đến cho
tớ nhiều ngạc nhiên như vậy. Ngày con bé lớn nhà tớ lớn lên chui khỏi bụng
mẹ (cậu thấy vần không – nếu mà tớ muốn thì Faulkner cũng phải chịu chua
thôi), tớ hiểu ra rằng nghệ thuật chỉ còn là thứ nực cười nếu so với bí ẩn kỳ
lạ của một đứa trẻ người còn đỏ hỏn nhỏ dãi dóc tùm lum lên bà mẹ đang
rớt nước mắt của nó. Từ đó, ngày nào tớ cũng coi đời mình như một tác
phẩm khó hiểu và kỳ diệu. Đôi khi cũng có những đoạn dài lê thê, những
lặp lại và hỏng hóc về gu cảm nhận. Diễn viên chính cảm thấy mệt mỏi,
khung cảnh trở nên buồn bã u ám. Phong cách thường xuyên có những
thiếu sót. Nhưng thế vẫn tốt hơn cả Picasso, Proust, Fellini và The Beatles
hợp lại.
- Thực ra, Péguy từng nói, người cha trong gia đình là kẻ phiêu lưu thời
hiện đại, thế mà cậu lại bảo rằng đó là gã dandy cuối cùng.
- Cậu biết không, Oscar, bấy lâu nay tớ thèm được như cậu nhưng giờ
cậu lại làm tớ thương hại đấy.
- Cảm ơn anh bạn duy nhất của tớ.
Đây chính là điểm chúng tôi không sao hiểu nổi nhau. Qua cửa sổ, tôi
thấy họ bước vào vườn Luxembourg, những ông bố trẻ tay đẩy xe nôi ấy,
nom họ thật suy sụp, mệt mỏi, quá tải với lũ nhóc con ồn ào, buộc phải tỏ ra
nhẫn nại và nặn những cái bánh cát trong khi sức cùng lực kiệt lắm rồi...
Khi nào thì họ phát rồ nhỉ? Khi nào thì họ chịu thừa nhận là mình chẳng có
gì để làm với cái cuộc sống tã bỉm xe nôi chết tiệt đó nhỉ?
***
Thứ Tư.