Rosner cau mày. Ông không muốn đến hội thảo. Một trong những ngừoi
tham gia thuyết trình trong hội thảo là lãnh đạo của Hiệp hội Hồi giáo Châu
Âu, một tổ chức cổ xuý việc áp dụng luật Hồi giáo ở Châu Âu và huỷ diệt
nhà nước Israel. Điều đó hứa hẹn một buổi tối không thoải mái chút nào.
“Thầy sẽ nói là thầy bị ốm đột xuất”.
“Mọi người đều yêu cầu thầy có mặt tại đó. Thầy là nhân vật chính mà”.
Ông đứng dậy vươn vai. “Thầy nghĩ mình sẽ đến quán cà phê De Doelen để
uống cà phê rồi ăn cái gì đó. Sao con không bảo phóng viên tờ Điện tín gặp
thầy ở đó?”
“Thưa Giáo sư, thầy có nghĩ như thế là thượng sách không?”
Ai ở Amsterdam cũng biết quán cà phê nổi tiếng trên đường Stalstraat chính
là nơi ông thích lui tới nhất. Rosner không phải là người kín đáo. Với bộ tóc
trắng và bộ quần áo bằng len cũ nhàu, ông là một trong những người dễ
nhận diện nhất ở Hà Lan. Những thiên tài trong ngành cảnh sát hà Lan có
lần đề nghị ông nên cải trang một chút khi đến chỗ đông người, rằng ông
nên đội mũ và dán ria mép kiểu hà mã để người ta nghĩ ông là người Hà
Lan.
“Mấy tháng nay thầy chưa ra quán Doelen”.
“Như thế đâu có nghĩa là sẽ an toàn hơn”.
“Sophie, thầy không thể nào sống như bị cầm tù mãi”, ông bước đén cửa sổ.
“Đặc biệt là vào một ngày như hôm nay. Đợi đến phút cuối con hãy nói cho
phóng viên tờ Điện tín biết chỗ thầy đến. Điều đó sẽ đánh lạc hướng những
tên thánh chiến”.
“Thưa Giáo sư, con vẫn không cảm thấy yên tâm”. Cô nhận thấy không thể
nào thuyết phục ông được. Cô đưa điện thoại di động cho ông. “Ít nhất thầy
cũng nên cầm cái này để gọi cho con trong trường hợp khẩn cấp”.
Rosner nhét điện thoại vào túi rồi đi xuống cầu thang. Ở hiên nhà, ông mặc
áo khoác, quàng khăn lụa rồi bước ra ngoài. Bên trái ông là ngọn tháp
Zuiderkerk, bên phải ông, cách 50 thước Anh (1) dọc theo con kênh hẹp với
nhiều thuyền nhỏ có một chiếc cầu kéo hai tần bằng gỗ. Groenburgwal là
con phố yên tĩnh của khu phố cổ, không có bar hay quán cà phê, chỉ có một
khách sạn nhỏ nhưng hình như chưa bao giờ có tới hơn chục người khách.