Cuộc gọi đến tổng đài chính của Đại sứ quán sau sáu giờ tối đó rất khác với
những cuộc gọi trước. Giọng nói của đàn ông và được biến đổi bằng kỹ
thuât điện tử, đây là người đầu tiên sử dụng một thiết bị như vậy. “Tôi có
thông tin về Elizabeth Halton”, anh ta bình tĩnh nói cho nhân viên trực tổng
đài. “Hãy chuyển máy cho tôi nói chuyện với người phụ trách. Nếu trễ hơn
năm giây, tôi sẽ gác máy và cô ấy sẽ chết. Cô có hiểu không?”.
Cô gái trực tổng đài nói rõ là cô ta thực sự hiểu rồi lịch sự yêu cầu người
gọi chờ. Hai giây sau, điện thoại của O’Donnell reo lên ở Trung tâm Tác
nghiệp. Anh giật lấy chiếc ống nghe màu đỏ trên giá đỡ điện thoại rồi để
nhanh lên tai nghe. “Đây là John O’Donnell thuộc phòng điều tra Liên
bang”, anh nói ngắn gọn. “Tôi có thể giúp gì cho anh?”
“Bãi biển ở Bacon Point”, giọng nói được biến đổi bằng điện tử vang lên.
“Hãy tìm dưới chiếc thuyền chèo bị lật úp. Đây sẽ là dấu hiệu liên lạc đầu
tiên và duy nhất của chúng tôi”.
Đường dây im bặt.
O’Donnell gác điện thoại rồi lắng nghe cuộc gọi một lần nữa trên máy ghi
âm, rồi nhấc ống nghe của một đường dây riêng gọi tự động cho Sở cảnh
sát Luân Đôn.
“Cuộc gọi này nghe có vẻ đúng là của bọn bắt cóc đấy”, O’Donnell nói.
Ở đầu dây bên kia, sĩ quan ở Sở cảnh sát nói.
“Tôi đồng ý. Anh có dấu vết gì không?”.
“Giọng này là từ điện thoại di động. Có điều gì đó mách bảo cho tôi là
chúng ta sẽ không bắt được kẻ này. Hắn là dân chuyên nghiệp đấy”.
“Thế Bacon Point nằm ở đâu?”.
“Bờ biển phía nam, cách Plymouth khoảng 10 dặm”.
“Cách trung tâm Luân Đôn bao xa?”
“Khoảng 150 dặm”.
“Tôi muốn có mặt ở hiện trường để ứng cứu – cho dù có chuyện gì”.
“Hải quân Hoàng gia đã để lại một Se King (Một loại máy bay trực thăng
đặc biệt) ở sân bay Luân Đôn để sẵn sàng cho loại tình huống này”.
“Thế sân bay máy bay lên thẳng nằm ở đâu?”
“Bờ Nam sông Thames, giữa cầu Battersea và Wandsworth”.