Khi xin việc, thay vì quan tâm tìm hiểu cá nhân lãnh đạo doanh
nghiệp, các bạn nên quan tâm tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp (corpor
ate culture). Tìm hiểu xem họ có Tầm nhìn (Vision), Sứ mệnh
(Mission), Mục tiêu (Objectives) không? Có thì tìm hiểu tiếp xem họ
có thực sự hiểu và theo đuổi không, hay là chỉ treo trên tường cho
vui? Một môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp có tính bền
vững cao hơn nhiều so với vai trò cá nhân một vài vị lãnh đạo.
Nếu bạn nào đó “đơn phương độc mã” vào một nơi làm việc mới
thì cũng không có gì phải quá lo lắng. Việc đầu tiên là tìm hiểu thật
kỹ văn hóa doanh nghiệp mà các bạn vừa vào, xem có cái gì hay, cái gì
chưa hay. Cố gắng tìm hiểu những ai trên bạn, ngang bạn và dưới
bạn ngay trong công việc của bạn. Sau khi bạn đã hiểu họ, hãy có một
chiến lược từng bước “lan tỏa” quan hệ.
Không ai khác ngoài những người quanh bạn sẽ giúp bạn phát
triển các quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Hãy bắt đầu từ những ai
được nhiều đồng nghiệp quý mến và “tránh” những người bị
nhiều người không thích, cho dù những người đó có vị trí, vai trò
như thế nào. Bạn phải có cộng đồng của bạn đã, trước khi bạn
muốn sáng tạo hay thay đổi điều gì trong một tổ chức.
Còn đối với các ý định tạo ra sự thay đổi, như tôi đã nói ở trên,
hãy bắt đầu từ những việc nhỏ mà bạn có khả năng “sở hữu” và tác
động tích cực đến kết quả. Bạn cần có nhiều “thành tích nhỏ” để
tạo uy tín, gây ảnh hưởng, sau đó mới đặt ra những mục tiêu lớn hơn.
Ngoài ra, bất kỳ mục tiêu nào bạn đặt ra, nó cũng sẽ ít nhiều
bất lợi cho một số người ngay bên cạnh bạn, bạn cần hình dung
trước và có cách “hóa giải” các vấn đề trước khi bạn vô tâm biến họ
thành người đối lập, hoặc thậm chí thành kẻ thù.