Việc các thế hệ học sinh du học ở nước ngoài cùng nhau thành lập
doanh nghiệp để tận dụng các quan hệ sẵn có và sự tương đồng về
văn hóa, trình độ là ý tưởng không tồi, có thể theo đuổi nếu có cơ
hội. Tuy nhiên, với văn hóa người Việt, “cá mè một lứa” không hẳn là
lợi thế trong một tổ chức. Ngoài ra, các lưu học sinh sau khi sống và
học tập nhiều năm ở nước ngoài thường cũng thiếu một số thứ
cần thiết để làm việc hiệu quả ở Việt Nam. Tôi không nói đến
chuyện chạy chọt, đút lót để được việc, nhưng cách duy trì và phát
triển các mối quan hệ công việc trong môi trường Việt Nam rất
khác so với nhiều nước khác.
Theo anh, nhà nước cần có chính sách gì để thu hút và sử dụng
nguồn chất xám của du học sinh Việt?
TS. Lương Hoài Nam: Thẳng thắn mà nói, tôi không kỳ vọng
nhiều vào những chương trình “Trải thảm đỏ đón nhân tài”, “Chiêu
hiền đãi sỹ” theo như cách làm lâu nay ở nước ta.
Thu hút chất xám của du học sinh Việt Nam là cần thiết, nhưng
cần làm việc này một cách có thực chất và bền vững. Có vẻ các
doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã và đang làm điều này tốt hơn là
các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và các địa phương.
Người ta có thể tuyển chọn và gửi các học sinh giỏi ra nước ngoài đào
tạo, nhưng không thể giữ được họ một cách cưỡng bức, không vui vẻ,
thoải mái nếu môi trường làm việc sau khi về nước không hấp dẫn
và trả cho họ mức lương ba cọc ba đồng, không đủ để họ có một cuộc
sống tử tế.
Tôi nghĩ rằng nhà nước cần đổi mới toàn diện chính sách, chế
độ tiền lương để các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước có khả năng
cạnh tranh thu hút chất xám một cách bình đẳng trên thị trường lao
động, giống như ở Singapore.