Không khó khăn gì để nhìn ra các yếu tố, thuộc tính giáo dục
phong kiến Trung Quốc, giáo dục tư bản Pháp, giáo dục chủ nghĩa
xã hội Liên-xô (cũ) hiện hữu trong nền giáo dục Việt Nam. Ở bậc đại
học và sau đại học, các yếu tố của giáo dục Anh, Mỹ cũng đã bắt
đầu hiện diện ở mức độ nhất định.
Nếu chỉ tính 100 năm gần nhất, chương trình giáo dục Việt
Nam đã được thay đổi khá nhiều lần theo hướng pha trộn của các
nền giáo dục rất khác nhau. Điều đó làm cho nó trở nên đặc biệt
và khác biệt với các nền giáo dục khác.
Tuy nhiên, sự đặc biệt và khác biệt của giáo dục Việt Nam đã
không tạo được những ưu thế nổi trội so với các nước khác (nếu
không thì chúng ta đã không phải đổi mới).
Trong vấn đề mô hình giáo dục, nếu đi theo hướng “tiếp thu
sáng tạo”, e rằng ngay cả lần này, chúng ta vẫn sẽ chưa có được một
“sản phẩm” thực sự tốt.
Nền giáo dục như một thực thể sống, chứa đựng trong nó hằng
hà sa số các mối liên kết logic và cấu trúc nhân-quả (“cái này
thế này bởi vì cái kia thế kia”). Nếu lựa chọn cách chắp vá, chúng
ta khó có thể đảm bảo được các liên kết logic, các cấu trúc nhân-quả
cần thiết để nó hoạt động trơn tru như một hệ thống?
Liệu chúng ta có nên mạnh dạn lựa chọn một mô hình giáo dục
hoàn chỉnh để ứng dụng, giống như Singapore đã chọn mô hình
giáo dục Anh?
TS. Lương Hoài Nam: “Mô hình giáo dục” ở đây là về kết cấu
các bậc học; kết cấu chương trình khung, các môn học bắt buộc và
các môn học tự chọn; sách giáo khoa, sách tham khảo; cách thi cử,
đánh giá, cách phân luồng học sinh…