Như vậy, trong trường hợp này, đánh giá trực giác của cô thủ thư
đã kích hoạt – sau cùng thì tôi cũng trả lại những cuốn sách. Nhưng
để biết ai có thể tin tưởng được thì chỉ đánh giá trực giác là chưa đủ,
thậm chí còn sai lầm. Vậy liệu có cách nào khác tốt hơn không?
Cam kết đáng tin
Tôi phát hiện ra câu trả lời của các lý thuyết gia trò chơi dành cho
câu hỏi về lòng tin là sử dụng điểm mốc cam kết đáng tin, trong
đó mỗi bên liên quan đều phải thể hiện cam kết của mình sao cho
người khác có lý do để tin vào nó, dù họ không tin tưởng vào bản thân
đối phương. Chẳng hạn, cô bé Lucy có thể đề nghị rằng cô sẽ giấu
một tay sau lưng để cô không thể đẩy quả bóng đi khi Charlie Brown
chạy lại đá nó. Khi đó, Charlie Brown sẽ có cơ sở để tin tưởng cô bé
thay vì phải nhìn vào đôi mắt cô bé để tìm kiếm sự tin tưởng.
Các lý thuyết gia trò chơi nêu ra hai cách cơ bản để bạn thể hiện
sự cam kết đáng tin của mình mà không phải viện đến lòng tin bên
trong. Cả hai đều nhằm hạn chế các lựa chọn của bạn sao cho đối
phương biết về chúng. Chẳng hạn, Lucy có thể hạn chế các lựa
chọn của mình bằng cách giấu một tay ra sau lưng. Tuy nhiên, mục
đích của việc làm đó là để khiến Charlie Brown tin rằng cô bé sẽ
không đẩy quả bóng đi – không phải là vì cô bé không muốn làm
thế, mà chỉ vì cô bé không thể.
Hai cách cơ bản này là:
1. Biến việc thay đổi ý định trở nên quá có hại.
2. Đi xa hơn và chủ động chặn đường lui của bạn sao cho bạn
không có cơ hội lùi lại.
Biến việc thay đổi ý định trở nên quá phí công