Bản thân chúng ta cũng có thể quan sát hành vi thuộc dạng
PAVLOV trong cuộc sống hằng ngày. Thông thường, một sự
hiểu nhầm sẽ dẫn tới một cuộc cãi vã, sau đó hoạt động hợp tác
lại được tiếp tục; và lời khuyên “đừng ngại lợi dụng những gã
khờ” thường được áp dụng.
PAVLOV chỉ là một trong số nhiều biến thể của chiến lược Ăn
miếng trả miếng đang được nghiên cứu sâu sát ngày nay. Chiến
lược Ăn miếng trả miếng ban đầu hiện được phân loại thành
chiến lược kích hoạt, tương đồng với những cuộc đọ súng ở miền
Tây hoang dã (chí ít là theo cách miêu tả của Hollywood), trong đó
nếu một bên nổ súng, bên kia có thể nổ súng đáp trả. Ngày nay các lý
thuyết gia trò chơi đã nhận diện được rất nhiều chiến lược kích
hoạt và tất cả đều đi theo nguyên tắc của Bà Làm sao chịu vậy là
sự bất hợp tác sẽ bị trừng phạt bằng một hoặc nhiều sự bất hợp
tác đáp trả.
Chiến lược mạnh nhất trong số này là Kích hoạt Grim với lời đe
dọa: “Chỉ cần anh không hợp tác với tôi một lần, tôi sẽ không bao
giờ hợp tác với anh nữa”. Việc người vợ/chồng đe dọa ly hôn sau khi
hai người cãi vã là một biểu hiện của chiến lược Kích hoạt Grim.
Mối đe dọa về trả đũa hạt nhân đang tồn tại trên thế giới cũng
vậy.
Một chiến lược kích động đỡ khắc nghiệt hơn là chiến lược Ăn
miếng trả miếng hào phóng, trong đó sự hợp tác được đáp lại
bằng sự hợp tác, nhưng đôi khi sự phản bội cũng được đáp lại bằng
lời mời tiếp tục hợp tác. Chẳng hạn, người vợ/chồng sau khi bỏ đi
lại quay về và cho nửa kia một cơ hội thứ hai. (Nếu họ chỉ quay về
khi người bạn đời thay đổi, thì đó chỉ là chiến lược Ăn miếng trả
miếng đơn thuần).