Vài hôm sau, tôi đến thử quần áo. Lần này cũng như lần trước, bông
hồng chẳng thấy ở trước mặt, mà tiếng lễ phép suông cứ làm ngượng hai
tai. Rồi đến hôm lấy quần áo về tôi chẳng thấy được tia sáng của Ngôi sao
Hà Thành! Chán quá, thà vứt mấy chục đồng bạc xuống sông, xuống biển
còn được xem tăm.
Tôi định cố tìm chỗ nào may hàng để bẻ hoẹ chữa đi chữa lại cho có
cớ mà ra vào cửa hàng vài lần nữa, nhưng số đen đủi, họ lại may khéo quá
mất rồi.
Nhưng từ đó, tôi lấy lại được cái lãi con con, là được đứng vào hạng
người quen của cụ Đại Ích. Vì một lần gặp cụ ở phố, tôi chào cụ, cụ còn
nhớ mà khen bộ quần áo may sát người.
Một lần nữa, tôi cần sắm cái mũ, tôi cũng lại đâm đầu vào đó. Thôi thì
đắt rẻ thế nào cũng bấm bụng mà mua, tuy cũng lại không gặp cô con,
nhưng được nghe cụ mắng người nhà câu sau này, tôi cũng hả dạ :
- Xà! Láo nào! Bán cho người ta thì mới được tính giá ấy, chứ bán hầu
ông đây kia mà! Xin bớt ông năm hào.
Như thế thì tôi đối với cụ Đại Ích chẳng phái là người xa nữa, nghĩa là
người quen, người thân, người nhà, con rể rồi vậy! Cho nên chẳng lần nào
tôi gặp cụ ngoài phố, tôi không cố làm cho cụ trông thấy, để chào trước,
cùng bắt tay chuyện trò.
Nhưng tôi vẫn tấm tức một điều, là cô con gái yêu quý của cụ, tôi vẫn
thấy anh em ca tụng, mà chính tôi thì chẳng rõ mặt ngang mũi dọc ra sao.
Vì bận nào liếc mắt vào mà có gặp cô ngồi bên quầy, thì tôi cũng chỉ thấy
mặt cô méo xệch sau hai lần kính tủ!
* * * * *