NQS
Khảo Luận Về Ông Phan Thanh Giản
Chương 21
Con số nầy do hai bên đã thỏa thuận ấn định trước đây khi bàn bạc về các
việc sắp xếp nghi thức trao đổi hòa ước Nhâm Tuất (1862) sau khi được hai
bên phê chuẩn? Hay là Bonard đích thân nhởn nhơ và thong dong đếm số
được 20,000? Phải chăng đây là một chuyện bày binh bố trận của triều đình
Huế biểu dương lực lượng để răn đe đối phương "chớ có nên dở trò" thừa
cơ làm chuyện càn rỡ tại kinh đô Huế? Hay là phía Đại Nam muốn dùng số
đông để thừa cơ hội nầy bắt sống nhóm đại diện thế lực xâm lược làm con
tin trao đổi cho việc đòi trả lại những vùng đất đã mất?
Tất cả những câu hỏi vừa kể trên đây chỉ là những suy đoán dựa trên tài
liệu do một nhân vật lịch sử vào thời đó (Bonard) viết ra khi người nầy
đang ở trên vị thế của kẻ thắng trận; mà những kẻ thắng trận thì thường hay
kiêu ngạo, lấn lối, lộng ngôn, khinh thường hạ thấp giá trị của phía bại trận
nhằm mục đích phô trương tài cán và công trạng lẫy lừng của mình.
*
Tuy nhiên nếu xét cho cùng thì sự huênh hoang phô trương của người Pháp
không phải là không có lý do: đất nước Đại Nam tồi tệ thụt lùi dưới quyền
lãnh đạo của một tập đoàn quân chủ phong kiến ngủ mê ở kinh đô Huế là
một thực tế hiển nhiên mà sử sách nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức không thể
nào che đậy được:
- Cả một nước Đại Nam từ Bắc chí Nam phần lớn trông nhờ vào lúa gạo
cấy trồng từ các vùng đất ở Nam Kỳ vì thế khi bị ngoại bang cấm vận thì cả
nước nhốn nháo lo sợ:
<<Các ông đòi tiền, chúng tôi trở thành bần cùng. Như thế phải chăng là
một cảnh tượng thú vị dâng lên cho đấng tạo hóa với bao nhiêu tai họa do
các ông gây ra? Nay các ông lại chận ngăn lúa gạo và người dân của chúng
tôi sẽ bị chết đói." Đây là một phần văn thư phúc đáp của quan khâm sai
đại thần quân thứ Biên Hòa Nguyễn Bá Nghi gởi cho Charner khi Charner
ra lệnh cấm chuyên chở lúa gạo trên khắp các vùng sông, biển ở Nam Kỳ