Là người đứng đầu bộ thông tin tuyên truyền vừa là chủ biên Tạp Chí
Nghiên Cứu Lịch Sử của đảng và nhà nước Cộng sản ở miền Bắc nước Việt
Nam, ông Trần Huy Liệu đã dề ra việc bình luận một số nhân vật lịch sử
như Hồ Quý Ly, Lưu Vĩnh Phúc, Nguyễn Trường Tộ và đặc biệt là ông
Phan Thanh Giản qua một loạt bài viết đăng trên Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch
Sử (viết tắt NCLS) từ số 48 đến số 55, phát hành trong năm 1963 ở Hà Nội
nơi mục Bình Luận Nhân Vật Lịch Sử. Số bài viết được tạp chí NCLS cho
đăng lên gồm có:
- "Phan Thanh Giản trong lịch sử cận đại Việt Nam" của Đặng Huy Vận và
của Chương Thâu (Tạp san NCLS số 48, tháng 3 năm 1963.
- "Cần Nhận Định và Đánh Giá Phan Thanh Giản như thế nào?" của Đặng
Việt Thanh.
- "Đánh giá Phan Thanh Giản như thế nào cho đúng?" một bài của Nguyễn
Khắc Đạm, một bài của Trương Hữu Ký.
- "Cần nghiêm khắc lên án Phan Thanh Giản của Chu Quan Trứ.
- "Cần vạch rõ hơn trách nhiệm của Phan Thanh Giản trước lịch sử" của
Nhuận Chi
- "Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản" của Trần Huy
Liệu.
Mở đầu cho loạt bài bình luận nầy, tòa soạn Tạp Chí NCLS của Ông Trần
Huy Liệu đã đưa ra những tiêu chuẩn để hướng dẫn cho những người muốn
viết về ông Phan Thanh Giản như sau:
“Theo ý chúng tôi, trong việc bình luận nhân vật lịch sử, nhất là những
nhân vật như Phan-thanh-Giản, chúng ta cần dựa vào quan điểm chủ nghĩa
Mác, đem yêu cầu của thời đại và nguyện vọng của nhân dân để soi vào
hành động của người đó sẽ thấy rõ có công hay có tội, đáng làm gương hay
đáng chỉ trích. Chúng ta có thể nhìn vào nhiều mặt nhưng bao giờ cũng
phải nhắm vào mặt chính của nó. Nhất là không thể chiều theo tình cảm
riêng hay chỉ nhìn vào đạo đức tư cách cá nhân mà phải nhìn vào sự việc cụ
thể để đánh giá cho đúng. Một khi đã có những kiến giải rõ ràng rồi thì đối
với đối tượng mà mình phê phán cần có thái độ dứt khoát.”(Tạp chí NCLS
số 48, tháng 3 năm 1963; Hà Nội).