Khi bất kỳ bong bóng nào vỡ, một số người sẽ thua lỗ. Các nhà đầu cơ có kinh
nghiệm đôi khi có thể nhận ra đoạn kết của một bong bóng và ngưng đầu tư kịp lúc.
Quan trọng hơn hết, họ luôn biết hạn chế rủi ro trong đầu cơ đến một mức độ chấp
nhận được. Những nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề nhất là những người tham gia ở
những giai đoạn sau của bong bóng, hầu như không có kinh nghiệm về việc quản trị
rủi ro.
Để một bong bóng tiếp tục phình to, cần có thêm nhiều người đầu tư, nhiều tiền
được đổ vào. Bong bóng sẽ kết thúc khi hoặc là không còn ai để tham gia nữa, hoặc
là có một số sự kiện khiến người ta bắt đầu bán ra các tài sản đã đầu cơ.
Nếu bong bóng chỉ ảnh hưởng đến một số lượng nhỏ các nhà đầu tư, chúng sẽ
không có mấy ảnh hưởng lên nền kinh tế và không có gì là nghiêm trọng. Trên thực
tế, một số bong bóng đã có quy mô đúng như vậy. Ví dụ, bong bóng về giá xe hơi cổ
cuối thập niên 1980 chỉ gây ra những hậu quả không đáng kể do số lượng các nhà
đầu tư liên quan là không lớn. Rõ ràng người ta không thể sản xuất thêm những
chiếc xe cổ, nên dù có một số nhà kinh doanh xe mới nhảy vào trong thời gian xảy ra
bong bóng và sau đó buộc phải đóng cửa, thì những nguồn lực bị bỏ phí có quy mô
không lớn. Các trường hợp tương tự có thể kể thêm là bong bóng giá các bức tranh
theo trường phái Ấn tượng vào cùng thời gian trên và bong bóng giá vàng, bạc trong
thập niên 1970.
Tuy nhiên, bong bóng sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu hiện tượng này
xảy ra với những tài sản được nhiều người nắm giữ. Khi đó, không chỉ có một số
lượng lớn nhà đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp, mà bong bóng khi tương tác với nền
kinh tế còn tạo ra những vòng xoáy bùng phát và sụp đổ. Bong bóng chứng khoán
cũng nguy hiểm, song lịch sử cho thấy bong bóng bất động sản là tồi tệ nhất. Sự
khác biệt nằm ở chỗ việc giá chứng khoán sụp đổ sẽ không đủ để làm suy yếu hệ
thống ngân hàng. Nhưng khi điều đó xảy ra với giá bất động sản, hệ thống ngân hàng
sẽ lung lay do nó dựa vào các tài sản thế chấp là bất động sản.
BA VẤN ĐỀ LỚN
Cuốn sách này tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất, hậu quả của cuộc
khủng hoảng hiện tại sẽ như thế nào? Giá nhà sẽ giảm tới đâu? Liệu sẽ có một đợt
đại suy thoái tiếp theo hay không? Liệu đợt suy giảm kinh tế hiện tại sẽ kéo theo
giảm phát, hay những biện pháp kích cầu sẽ rốt cuộc gây nên lạm phát? Thứ hai,
những nhà hoạch định chính sách nên làm gì? Có cách nào để ngăn ngừa bong bóng
hay không? Họ có nên quản lý các ngân hàng chặt hơn về vấn đề cho vay hay