Khi bị nói là “Mẹ không thể tha thứ chuyện đó được”, “Mẹ nghĩ
chuyện này có vẻ hơi bất thường”, trẻ sẽ nghĩ “Ơ, tại sao ạ?”. Trẻ sẽ
phủ định bằng những lý lẽ không rõ ràng, sẵn sàng tranh luận với
bố mẹ đến cùng. Cho dù vậy, bố mẹ cũng không được nhượng bộ
mà phải kiên quyết. Bằng cách đó, trẻ sẽ tự nhận thức được rằng:
“À, thì ra cuộc sống là như thế!”, “Bố mẹ giống như bức tường
dày và vững chắc vậy. Tức là nếu mình làm sai thì sẽ không được
tha thứ đúng không?”. Đó không phải là áp đặt hay cướp đi quyền tự
do của con. Bố mẹ là bức tường vô hình, kiên quyết chỉ bảo con dựa
trên những tư tưởng và niềm tin của chính mình. Hành động này của
bố mẹ đã là bước đệm để con làm được điều mà bản thân chúng
mong muốn: tạo nên bản sắc của chính mình.
Trẻ cũng đòi hỏi thái độ kiên quyết đến mức ngoan cố ở bố mẹ
− họ là điểm tựa để trẻ hình thành bản ngã.
Còn nếu bố mẹ nói là “Được thôi. Con thích làm gì thì cứ việc.”
thì sẽ khiến trẻ không còn đường lui, không còn chỗ dựa để tự lập.
Hơn nữa, khi đóng vai trò là bức tường, bạn có thể bảo vệ con
mình trước những tình huống có thể dẫn đến rủi ro.
Ví dụ, khi bạn bè rủ đi chơi mà trẻ không muốn đi vì thấy có gì
đó không tốt thì có thể lấy bố mẹ làm lá chắn: “Bố mẹ tớ
nghiêm khắc lắm, không cho phép tớ đi chơi đâu. Xin lỗi cậu nhưng
tớ không đi được”. Bằng cách này trẻ có thể tự bảo vệ mình trước
những người xấu.
Nếu không làm được như vậy thì có thể trẻ sẽ bị cuốn vào trong
xoáy nước dữ dội trong mối quan hệ phụ thuộc với mọi người. Đến
khi trẻ giật mình nhận ra thì chúng đã tham gia vào nhóm thanh niên
hư hỏng trong trường, đi gây hấn với học sinh các trường khác.