Có lẽ với bạn rất khó để làm được việc này. Vì cho dù trẻ có lập
luận vô lý đến thế nào đi chăng nữa, bạn cũng phải lắng nghe con
“Ừ, vậy à”. Điều này đòi hỏi bạn phải có khả năng kiềm chế, nhẫn
nại. Trong một lớp mà tôi từng dạy có một học sinh nữ thuộc nhóm
hay lý luận. Tôi đã nếm trải cảm giác vô cùng bực mình khi cô học
trò hết lần này đến lần khác đứng lên đối chất với tôi “Em thưa
thầy, không phải là như thầy nói ạ”. Thế nhưng, dù gì điều này
cũng cho ta thấy rằng trẻ có lắng nghe lời người lớn nói. Bởi chí ít
khi trẻ phản đối thì cũng chứng tỏ trẻ đang lắng nghe câu chuyện
một cách rất nghiêm túc. Cứ như vậy, được bố mẹ, thầy cô lắng
nghe, trẻ sẽ tự ngẫm nghĩ lại những lời mình nói ra và có sự điều
chỉnh phù hợp.
Còn khi đi đến kết luận “Nhưng thực ra bố mẹ nghĩ như thế
nào cũng được” thì cũng có rất nhiều trẻ sẽ trả lời với vẻ rất thản
nhiên rằng: “Con nghĩ cái đầu tiên mình nói là đúng đó mẹ”.
Trong giao tiếp, việc vừa nói vừa nhìn nhận lại bản thân để suy
nghĩ khách quan hơn rồi có sự điều chỉnh cho phù hợp là cần
thiết. Và để có thể làm được việc khó như vậy, trẻ phải trải qua giai
đoạn dậy thì. Để không áp đặt lý lẽ của mình lên trẻ, trước hết xin
hãy nghe câu chuyện sau đây.
Trở thành cái “gối ôm” - điểm tựa để giúp con giải
tỏa bức xúc.
Một sinh viên trong lớp của tôi đã tâm sự với tôi về tuổi dậy thì
thời trung học của mình như sau:
“Ngày còn học THCS, em là một đứa trẻ vô cùng quậy phá và
nghịch ngợm. Có lẽ không quá lời khi nói rằng mẹ em đã phải chiến