chắn sẽ có lúc chúng hành động và nói năng như người lớn. Cách suy
nghĩ, quan tâm của trẻ sẽ hoàn toàn hướng về cái tôi của mình.
Việc “điều khiển” những đứa trẻ như vậy đương nhiên là điều
nên tránh. Bởi đơn giản, chẳng ai có quyền cướp đi sự tự do trưởng
thành của người khác. Dù sao tôi cũng mong bạn đừng quên đây là
giai đoạn trẻ “Giống như người lớn nhưng thực ra vẫn là trẻ con”.
Khi bạn than phiền với trẻ về công ty, công việc của mình giống
như đang nói chuyện với đồng nghiệp, chỉ ra những mâu thuẫn
trong cuộc sống mà bạn gặp phải như “Rốt cuộc, trong cuộc sống
chẳng có gì tốt đẹp được như thế đâu”, hay “Thằng đấy lên chức
được là nhờ mánh khóe, ô dù cả thôi”… Việc này là hoàn toàn không
tốt bởi chúng gieo rắc cho trẻ ý nghĩ bi quan về cuộc sống.
Tại sao ư? Đó là vì trẻ đang sống để hướng về tương lai, nhìn đời
bằng con mắt màu hồng. Hơn ai hết, trẻ đang mong chờ để trở
thành người lớn. Nếu lúc này, bạn lại khiến trẻ mất đi hy vọng về
thế giới của người lớn thì chẳng phải sẽ rất tội nghiệp chúng hay
sao.
Những lời nói ấy của bạn có thể khiến trẻ có cái nhìn bi quan về
tương lai, gieo rắc trong trẻ ý nghĩ tuyệt vọng, muốn từ bỏ giấc
mơ, hy vọng bởi “Dù có cố gắng thế nào thì cũng chẳng có kết
quả tốt đâu”.
Nói cho con biết cảm giác cũng như vấn đề của người lớn là
quan trọng, nhưng bạn cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng về cách
truyền đạt cho chúng.