LUẬT BẢO VỆ CÁC LOÀI CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG
LÀM HẠI CHÍNH NHỮNG LOÀI ĐÓ?
(SDL).
Đồng nghiệp và cũng là người viết cùng tôi, John List, là một trong số
những nhà kinh tế năng suất và có ảnh hưởng nhất hiện nay.
Anh vừa có một bài nghiên cứu mới viết cùng Michael Margolis và
Daniel Osgood, đưa ra một tuyên bố bất ngờ rằng Đạo luật bảo vệ các loài
động vật có nguy cơ tuyệt chủng − vốn nhằm giúp các loài có nguy cơ tuyệt
chủng − thật ra có thể làm hại chúng.
Tại sao lại vậy? Trực giác chúng ta mách bảo rằng sau khi một loài được
xác định là có nguy cơ tuyệt chủng, người ta phải đưa ra quyết định về khu
vực địa lý được coi là môi trường sống trọng yếu cho loài đó. Một tập hợp
các ranh giới ban đầu được đưa ra, sau đó là các buổi điều trần công khai
và rồi cuối cùng là quyết định sau chốt về vùng đất cần được bảo vệ. Trong
khi cuộc thảo luận này đang diễn ra, có những động cơ mạnh mẽ để các bên
tư nhân cố gắng phát triển những vùng đất mà họ sợ rằng có thể trong
tương lai chúng sẽ bị cấm không cho phát triển vì trạng thái “loài có nguy
cơ tuyệt chủng”. Vì vậy trong ngắn hạn, tình trạng phá hủy môi trường
sống có khả năng sẽ thực sự gia tăng.
Dựa trên lý thuyết này, List và cộng sự phân tích dữ liệu cho loài cú
pygmy nâu đỏ sống gần Tucson, Arizona. Quả thật, họ thấy tốc độ phát
triển đất đai tăng lên mạnh ở những khu vực sẽ được chỉ định là môi trường
sống trọng yếu.
Kết quả này cùng với nghiên cứu của nhà kinh tế học Sam Peltzman, một
nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có 39 trong số 1.300 loài sau khi được đưa vào
danh sách có nguy cơ tuyệt chủng là thoát được nguy cơ tuyệt chủng,
không cho thấy một bức tranh lạc quan lắm về tính hiệu quả của đạo luật
bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.