tờ Environmental Science and Technology của Christopher
L. Weber và H. Scott Mathews của Carnegie Mellon:
Chúng tôi thấy rằng mặc dù nhìn chung thực phẩm được vận
chuyển đi xa (trung bình 1.640 km chuyển phát và 6.760 km trong
vòng đời chuỗi cung ứng), song lượng khí thải nhà kính GHG liên
quan đến thực phẩm lại chiếm chủ yếu ở giai đoạn sản xuất, đóng góp
83% vào 8,1 tấn khí CO2 mà một hộ gia đình bình thường ở Mỹ thải
ra mỗi năm vì tiêu thụ thực phẩm. Toàn bộ hoạt động vận tải chỉ đóng
góp 11% lượng khí thải GHG và lượt vận chuyển cuối cùng từ nhà sản
xuất đến nhà bán lẻ chỉ chiếm 4%. Các nhóm thực phẩm khác nhau
cho thấy mức GHG thải ra rất lớn; trung bình thịt đỏ thải ra nhiều
GHG hơn 150% so với gà hay cá. Do đó, chúng tôi gợi ý rằng việc
thay đổi chế độ ăn có thể là phương tiện giảm tác động khí hậu liên
quan đến thực phẩm của hộ gia đình hiệu quả hơn là việc “mua đồ địa
phương”. Sự thay đổi bữa ăn có hàm lượng calo chưa đầy một
ngày/tuần từ thịt đỏ và sản phẩm từ sữa sang chế độ ăn dùng gà, cá,
trứng hay rau sẽ giúp giảm GHG nhiều hơn là mua tất cả thực phẩm
do địa phương sản xuất.
Đây là một lập luận khá vững chắc, ngược với những lợi ích kinh tế và
môi trường mà mọi người cảm nhận thấy ở hành vi tiêu dùng thực phẩm địa
phương − chủ yếu là vì Weber và Matthews đã xác định được thực tế gần
như luôn bị bỏ qua trong những luận điểm này: sự chuyên biệt luôn có hiệu
quả. Điều đó nghĩa là vận tải ít hơn, giá thấp hơn − trong hầu hết trường
hợp, đa dạng hơn nhiều, và trong sách của tôi, điều này đồng nghĩa với việc
đồ ăn ngon và dinh dưỡng hơn. Cái cửa hàng nơi tôi phí phạm 12 đô-la cho
nguyên liệu làm kem sẽ vui vẻ bán cho tôi đủ mọi vị kem, có kèm các tùy
chọn phù hợp với từng chế độ ăn và cả điểm thưởng để tích.
Trong khi đó, hiện tôi đang chẳng biết phải làm gì với khoảng 99% số
màu thực phẩm tôi đã mua, mà rất có thể sẽ vẫn còn nguyên trong tủ bếp
cho đến ngày tôi chết (hy vọng chuyện đó không xảy ra sớm).