Dẫu vậy, cuối cùng tôi thấy rằng có hai cách có thể diễn giải cho tình
huống hiện tại của chúng ta với khủng bố.
Một là, lý do chính cho việc hiện chúng ta không bị khủng bố là vì các
nỗ lực chống khủng bố của chính phủ đã thành công.
Cách diễn giải kia thì cho rằng nguy cơ khủng bố không cao như thế và
chúng ta đã chi tiêu thái quá cho cuộc chiến chống lại nó, hay chí ít cho cái
có vẻ như là cuộc chiến chống nó. Đối với hầu hết các quan chức chính
phủ, áp lực phải tỏ ra như thể mình đang cố chặn đứng khủng bố sẽ lớn hơn
nhiều so với áp lực phải thực sự ngăn chặn nạn này. Chẳng ai có thể buộc
tội giám đốc Cơ quan An ninh Vận tải Hoa Kỳ (Transportation Security
Administration − TSA) nếu một chiếc máy bay bị một đầu đạn tên lửa bắn
hạ, nhưng ông ta sẽ gặp rắc rối lớn nếu một tuýp thuốc đánh răng chứa chất
nổ hạ gục chiếc máy bay. Do đó, chúng ta dồn thêm nhiều nỗ lực vào tuýp
thuốc đánh răng dù rất có thể nó là mối đe dọa kém quan trọng hơn nhiều.
Tương tự như vậy, một nhân viên CIA sẽ chẳng gặp rắc rối gì nếu một
cuộc tấn công khủng bố xảy ra; anh ta/chị ta sẽ chỉ gặp rắc rối nếu không
có báo cáo bằng văn bản liệt kê chi tiết khả năng xảy ra một cuộc tấn công
như vậy, một báo cáo mà đáng lẽ sẽ được người khác theo dõi, nhưng họ lại
chẳng bao giờ làm thế vì có quá nhiều báo cáo kiểu vậy.
Tôi đoán, kịch bản thứ hai − nguy cơ khủng bố không lớn đến vậy − là
kịch bản có khả năng cao hơn cả. Và điều này, bạn cứ ngẫm mà xem, chính
là cái nhìn lạc quan về thế giới. Dù vậy, nó có lẽ sẽ vẫn khiến tôi trở thành
một gã đần, một kẻ phản quốc hoặc cả hai.