TYLER COWEN
Tôi không thích cho tiền người ăn xin. Về lâu dài mà nói, việc này chỉ tổ
khuyến khích người ta đi ăn xin thêm mà thôi. Nếu bạn hình dung một
người ăn xin kiếm được, chẳng hạn, 5 nghìn đô-la một năm, thì dần dà
những người trở thành ăn xin trong tương lai sẽ đầu tư thời gian và công
sức có giá trị bằng khoảng 5 nghìn đô-la cho việc ăn xin. Lợi nhuận ròng
quá nhỏ, nếu thực tế là có lợi nhuận ròng ở đây. Có lời đồn rằng ở Calcutta,
người ta thậm chí còn cắt bỏ các bộ phận cơ thể để dễ xin được nhiều tiền
hơn, đây là một ví dụ cực đoan của hiện tượng này. Tôi có giải thích chi tiết
hơn về logic này trong cuốn Discover your inner economist (tạm dịch:
Khám phá nhà kinh tế bên trong bạn) của mình.
Kỳ cục là lý lẽ ủng hộ việc cho người ăn xin tiền có thể sẽ vững chắc
hơn nếu người ăn xin đó là một tay nghiện rượu. Nghiện rượu làm tăng khả
năng anh ta xin tiền ngẫu nhiên hơn là theo đuổi một chiến lược được tính
toán kỹ lưỡng nào đó để đầu tư một cách lãng phí nguồn lực vào việc ăn
xin. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi ngờ rằng món quà sẽ được đổ hết
vào rượu, vì vậy tôi vẫn không muốn cho anh ta tiền.
Nếu thích bánh mì kẹp xúc xích, tôi sẽ mua bánh mì kẹp xúc xích từ
người bán và cho anh ta, hơn là cho không anh ta tiền. Cuối ngày, anh ta có
thể vứt đồ ăn đi. Dù thế nào thì anh ta cũng có tiền, thế thì tại sao lại lãng
phí chiếc bánh mì kẹp?
Tùy chọn thứ ba, chỉ được ngụ ý trong câu hỏi, là đơn giản cưa đôi số
tiền đó. Việc này sẽ làm đồng tiền của người khác đáng giá hơn một cách
tương ứng và phân tán lợi nhuận ra rộng. Vì nhiều tờ tiền là do những
người nước ngoài nghèo khổ (hầu hết là ở Mỹ Latin) nắm giữ, nên lợi
nhuận sẽ về tay những ai có thể tiết kiệm bằng đồng đô-la. Đó sẽ bao gồm
nhiều người nghèo làm việc chăm chỉ, nhóm mà tôi coi là những người
xứng đáng nhận tiền.