Phải thành thực với Shane rằng có sự khác biệt lớn giữa việc là một giáo
sư kinh tế với việc có bằng đại học chuyên ngành kinh tế. Quả thực, sự
tương đồng giữa người học chuyên ngành kinh tế và những người khác có
lẽ là một chỉ báo rằng chương trình học hiện nay của chúng ta trong việc
giảng dạy kinh tế không làm tốt việc trang bị cho sinh viên trực giác kinh tế
mạnh − hay chí ít là bất kỳ kiểu trực giác kinh tế nào mà đồng nghiệp của
tôi có.
Ai là người ít suy nghĩ như giới học thuật kinh tế nhất? Giải thưởng này
(không có gì ngạc nhiên) khi rơi vào tay những người học chuyên ngành
Ngữ văn Anh và (hơn cả sự ngạc nhiên) những người học chuyên ngành kỹ
thuật, cả hai nhóm này kết hợp lại với nhau đưa ra 49 phản hồi chiếm áp
đảo tổng số các lời giải thích dựa trên cầu.
Điều thú vị là khả năng các quý cô nói chung đưa ra lời giải thích cung
chỉ bằng một nửa các quý ông. Tôi sẽ nhường bạn suy nghĩ nguyên do và
tác động của kết quả này.
Vậy, tại sao lượng tiêu thụ tôm lại tăng lên nhiều đến vậy?
Tôi không biết đích xác, nhưng có một yếu tố chủ chốt là giá tôm đã
giảm mạnh. Theo một bài báo học thuật, giá tôm thực tế đã giảm khoảng
50% trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2002. Khi số lượng tăng lên và
giá giảm, điều đó hẳn phải đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất phải tìm ra
những cách rẻ hơn và tốt hơn để sản xuất tôm. Một bài báo trên tờ Slate cho
rằng hiện đang có một cuộc cách mạng trong ngành nuôi bắt tôm. Các yếu
tố cầu cũng có thể đóng vai trò ở đây, song chúng không có vẻ gì là tâm
điểm của câu chuyện.
Vì vậy, cho một số người cần mẫn, thực sự đã đọc từ đầu đến cuối bài
viết này, đây là một câu hỏi khác: Trái ngược hẳn với lượng tiêu thụ tôm,
lượng tiêu thụ cá ngừ đóng hộp liên tục giảm; đó là do thay đổi trong cung
hay cầu?