Quả nhiên cơn tam bành nhè nhẹ nổ ra. Cô vợ nghiến răng nghiến lợi
nói anh hèn nhát. Muốn người khác nhục mà không chịu hành động. Chẳng
phải rất nhiều người được gọi là có văn hóa đã tán tận lương tâm để kiếm
lợi đấy thôi. “Anh không làm thì ai làm? Tôi rất điên nhà nó, không chịu
được, hãy giúp tôi rửa hận!”. Ở cơ quan, anh đã chán ngấy chuyện cấp trên
làm sai trút trách nhiệm cho cấp dưới, còn những danh hiệu, bằng khen thì
cứ mạnh bạo nhận. Anh chưa thấy người nào có tư chất “lo trước thiên hạ
và vui sau thiên hạ” bao giờ. Những thối tha, rác rưởi, con người ta vẫn thải
ra, rồi đổ ụp đấy không chịu nhận, cứ đưa đẩy này nọ. Mà hương thơm trái
ngọt bằng mồ hôi nước mắt người khác lại nhơ nhẩn nhận. Vậy biết làm
sao. Anh không thể làm vợ giận, cô nàng sẽ nghĩ ra ngàn vạn câu chuyện ý
nói là anh bênh vực kẻ thù, rồi sẽ đay nghiến, xỉa xói, trách móc. Buộc phải
nhận lời, miễn cưỡng cười với vợ để cô nàng vui.
Chả cần đợi đến tối, Thọ đã có thể ném vèo chú chuột đã bọc gọn
trong giấy báo. Lúc này, chỉ cần bỏ ra, lót tay và cầm đuôi vung. Ngày
trước, anh còn tham gia chiến đấu trong chiến trường miền Nam, từng ném
lựu đạn trúng mục tiêu trăm phần trăm. Giờ chỉ nhẹ một cái, chú chuột đã
chui vào nách lá của cây trinh nữ, chờ nay mai thối rữa là bốc mùi. Ắt hẳn
vợ anh sẽ hả hê khi ngôi nhà kia bị mùi chuột chết tạt vào khăm khẳm, đến
bữa ăn cũng phải nhăn mũi, dù có đóng cửa lại, thì chả lẽ không có lúc mở
ra.
Công hiệu đã xảy đến vào hai ngày sau. Đó là hiện tượng gia đình bên
cạnh cứ phải chun mũi khi ra vào cửa. Khách đến cũng phải che bàn tay
vào mũi khi đứng đợi gia chủ mở cửa cổng sắt. Lúc khách nổ máy biến mất
từ lâu, bên này Thọ còn thấy Giáo sư Ngõa ở nhà bên kia lom khom tìm
nguyên nhân mà chưa thấy. Có lẽ tại cặp mắt cận được trang bị đôi đít chai
dày cộp đã cản tầm nhìn của ông. Ông già hơn vợ gần hai mươi tuổi, nhưng
rất mực sợ vợ. Nhìn cái dáng lưng gù, chân bước mà đầu cứ vươn phía
trước là khổ ải lắm, chẳng sung sướng gì. Bởi thế mà dù đã học hàm học vị