Bà Hát cười hiền, còn rung rinh cả lúm đồng tiền nữa. Lúm đồng tiền
đã dán khuôn khuôn mặt ấy và làm cho nó trở nên thanh thoát hơn. Có
những lúm đồng tiền chôn cả tài tử danh nhân, làm khuynh gia bại sản. Còn
lúm đồng tiền của bà, có vùi chôn bậc tài danh nào, hay đã gây nên nghiệt
ngã cho bà?
- Muốn học vẽ ư? Dễ thôi. Cậu cần phải học kiên nhẫn. Trước hết là
phải bỏ tính nóng nảy đi. Nóng nảy với họa sẽ hỏng hết. Người cầm cọ cần
nhu mì, có cốt cách, không ngại gian nan. Cây cọ là công cụ để bộc lộ nội
tâm của chủ nhân nó. Đôi khi cũng cần dữ dội, hãy để cho nghệ thuật trên
phông tranh tuyên chiến với thói đời xấu xa, với sự nghiệt ngã của thời
gian. Hơi khó hiểu phải không? Muốn học thì dần dần phải hiểu.
Những lời của bà Hát quả là quá tải đối với cái đầu còn non nớt của
Kiêu. Nhưng bà đã chẳng bảo muốn học thì dần dần phải hiểu còn gì. Dần
dần có nghĩa là sẽ hiểu được. Cậu tin rằng mình đã đủ lớn để suy nghĩ, rằng
để đạt được điều gì đó thì phải cố gắng. Cậu nói hùng hồn:
- Cháu sẽ cố gắng, sẽ học để biết nhẫn nại, tu rèn tính cần cù.
Điều đó làm bà Hát hài lòng, rất yên tâm và tin rằng mình đã cứu
không nhầm người. Thằng oắt con coi như có tố chất và cốt cách của nó.
Chắc chắn, bà cần phải dụng công để làm cho nó bớt hoang dã. Bà có một ý
nghĩ cực đoan rằng những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, bị ném ra đời
thường ngấm vào mình cái hoang dã của đời. Việc làm này cũng rất quan
trọng đến việc hình thành nhân cách của một người trưởng thành sau này.
- Vất vả đấy cậu nhóc ạ - Bà Hát nói - nhưng cô tin cậu nhóc sẽ làm
được.
Bà Hát đứng dậy vươn vai, ngáp đến thượt một cái dịu dàng, đóng nắp
hộp màu, bỏ cọ sang một bên và chuẩn bị đi ngủ. Bà bảo Kiêu vào phòng
rồi đi vào nhà vệ sinh.