- Thế cũng được, cậu cứ sang bên đó, tối quay trở lại đây, chúng mình
đi dạo. - Quê nói.
- Ừ, Quê dọn dẹp đi nhé, tớ sẽ quay lại. Tớ rất sợ phải gặp mặt bố và
anh cậu.
- Cứ bí mật thôi, sẽ chẳng ai để ý đâu. Cậu lấy được bằng là đi luôn à?
- Phải. Tớ sẽ đi luôn, thế nhé.
- Kiêu đi đi.
Nhà anh Tôn trống hoác. Anh Tôn đang dọn dẹp chuồng cho lũ lợn.
Chúng đến bữa chưa được thỏa cơn đói đang réo ầm ĩ. Lũ con của anh đang
ỏm tỏi cửa nhà. Nhìn là biết anh Tôn vất vả thế nào. Anh dừng tay, nhìn từ
đầu đến chân cậu em, hỏi han tình hình, sức khỏe và rót nước cho cậu
uống. Xong anh xin phép đi “tiếp” lũ lợn trước cho chúng khỏi kêu, rồi sẽ
tâm sự sau. Kiêu rất đỗi thông cảm.
Lũ lợn đã được ăn và trả công chủ nhà bằng không khí bình yên. Anh
Tôn rửa tay chân, bước ống thấp ống cao, vơ vội đống quần áo giăng ngoài
chiếc ghế nhựa ấn vào trong buồng. Cái niêu nhỏ giữa nhà cũng được anh
dùng chân gạt gọn vào một bên. “Bừa bộn quá, nhà có con mọn mà”. Anh
than với Kiêu vậy, cầu mong thông cảm. Kiêu xua đi “Chẳng sao đâu anh.
Khi các cháu lớn là đâu vào đấy thôi mà”. “Chẳng biết tốn bao cơm gạo
nữa thì chúng mới lớn”.
Lúc này anh Tôn mới có thời gian để nhìn kỹ cậu em hàng xóm. Tuy
không máu mủ gì, nhưng anh nhận được sự ủy thác của bà ngoại Kiêu khi
còn sống. Tính tình anh rất đỗi mộc mạc cho nên Kiêu cảm thấy như được
về nhà mình. Ngôi nhà tranh ngày đó đã cháy sụm rồi, chỉ còn chút dấu tích
hoang sơ ở vườn kia. Cậu nhìn nó, thấp thoáng hình ảnh của mình thời tuổi
nhỏ. Lũ con anh rí réo bên cạnh, vừa ngấu nghiến gói kẹo cậu đưa làm quà.
Cậu ở nhà anh ăn tối. Anh Tôn bắt con gà làm thịt. Chọn con to nhất cũng