Người thứ ba cũng tiếp luôn:
- Nhưng nếu không có công tôi cải tử hoàn sinh thì dù các anh có cứu được
cũng chỉ cứu một cái xác thôi. Vậy tôi xứng đáng được kết duyên với nàng
mới phải.
Cả ba người không ai chịu ai. Ông già họ Lê và những người được chứng
kiến đều lấy làm bối rối, không biết nên trả lời thế nào. Cuối cùng họ dắt
nhau lên quan để nhờ phân xử.
Sau bao nhiêu ngày suy nghĩ, quan cho đòi ba chàng cùng với hai cha con
ông già tới công đường. Trước mặt họ, quan phán bảo:
- Trong việc cứu cô gái này, cả ba người đều có công lao ngang nhau, nếu
thiếu một người cũng khó mà thành. Nhưng anh thầy thuốc, anh không thể
kể công như thế được. Không phải cứ cứu chữa lành cho người ra là đòi lấy
người ta làm vợ. Đối với anh, người được cứu sống phải coi như ân nhân
chứ không bắt buộc phải coi như chồng. Còn anh thợ bắn, nếu anh biết
rằng không có một người nào sẽ lặn ra cứu cô gái thì việc làm của anh chỉ
có tính chất báo thù chứ không thể gọi là cứu vớt. Tất nhiên, anh bắn trúng
chim chứ không bắn trúng người là có dụng ý tốt. Nhưng giết chết chim mà
không nghĩ rằng người cũng rơi xuống nước thì dụng ý đó của anh hãy còn
thiếu sót. Vậy đối với anh, cô gái này cũng chỉ coi như một vị ân nhân. Còn
anh giỏi lặn, anh là một trong những người cứu cô gái, mà công việc cứu
vớt lại bắt buộc anh phải ôm cô gái trong tay suốt buổi. Sách xưa có nói
rằng trừ vợ chồng ra, thì "nam nữ thụ thụ bất thân". Bây giờ anh đã lỡ gần
gũi cô gái đó thì hai người phải được kết duyên với nhau mới là hợp lẽ. Tuy
nhiên, đối với các ân nhân, hai vợ chồng phải nhận họ làm anh em kết
nghĩa.