Có thể khẳng định những loại truyện đó đã kế thừa tốt đẹp truyền thống của
nghệ thuật thần thoại, truyền thuyết, và ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của
truyện cổ tích và phật thoại nước ngoài bấy giờ chắc đã tràn vào đất Việt
không hiếm gì. Tuy có một số truyện do những phần tử trí thức phong kiến
sáng tác với dụng ý đề cao "đấng bề trên", nhưng lại cũng vì được sản sinh
trong thời kỳ tự chủ, chúng vẫn là tiếng vang trung thực của tinh thần độc
lập, phong cách cứng cỏi, hiên ngang của cả thời đại (Tô Hiến Thành,
Nguyễn Thị Bích Châu).
Đời Trần cũng như đời Lý, đạo Phật trở thành độc tôn. Có khá nhiều truyện
đề cao tăng lữ, thường thường là những nhà sư có đạo đức hay có phép thần
thông biến hóa (sư Giác Hải, sư Huyền Quang, cuộc đi tu của Trần Nhân
Tông, v.v...).Cũng vào thời này còn xuất hiện cả một số tiên thoại, phật
thoại, hay cổ tích như những luận đề nhằm chứng minh cho cứu cánh của
tôn giáo (truyện con gái Sở Trang Vương, truyện Từ Thức, v.v...), góp thêm
vào kho sự tích các bà Tiên ông Phật vốn đã có trong các bộ kinh tôn giáo
từ rất lâu đời.
Trong thời kỳ chiến tranh chống ngoại xâm, dân gian còn lưu lại những
truyện cổ đầy khí thế yêu nước diệt thù. Nào truyện Yết Kiêu, truyện Người
ả đào với giặc Minh, truyện Hai nàng công chúa nhà Trần, truyện Phạm
Nhan, v.v... Ngoài ra, lại thêm vô số những truyện về giặc Tàu Ô, Khách để