đuôi có hệ thống và chắc được đặt bằng văn vần như một số truyền thuyết
của đồng bào thiểu số. Nếu cố gắng khôi phục cho thật đầy đủ theo đúng
phương pháp văn bản học dân gian thì truyện Hai bà Trưng chắc có thể dồi
dào tình tiết hơn nhiều. Đó sẽ là một truyện có đủ các nhân vật, từ hai bà
cho đến một đoàn nữ tướng đông đảo và gan dạ như các bà Bát Nàn, Lê
Chân, Thiều Hoa, Thánh Thiên, v.v... trong đó, diễn ra biết bao nhiêu trận
ác chiến giữa các bà và tướng địch mà chỉ có thần tích là còn có ghi lại. Bà
Triệu hiện lên qua một vài ghi chép như là một cô gái kỳ lạ: cưỡi đầu voi,
chân đi guốc vàng (có khi vú buộc ra sau lưng), khảng khái hiên ngang, còn
tài đánh trận thì thật là vô địch đến nỗi kẻ thù không dám "đối mặt". Bố Cái
đại vương trong truyền thuyết còn được gắn liền với hình ảnh một con voi
có nghĩa mà các bộ lịch sử không hề nói đến, và cũng không nhất thiết phải
nhắc đến, v.v...
Nói chung, tất cả những truyền thuyết sáng tác trong thời Bắc thuộc đều có
gửi gắm một tinh thần bất khuất, một ý nghĩa thương yêu nòi giống, căm
thù quân giặc xâm lăng giày xéo đất nước.