KHẢO DỊ
Truyện trên chắc xuất phát từ một thần thoại xa xưa, vì nghệ thuật thần
thoại trong đó còn khá rõ nét. Về sau truyện Thánh Gióng còn được nhân
dân một số địa phương vùng Bắc-ninh, Bắc-giang phát triển, thêm thắt,
ghép vào một số tình tiết hoặc thần kỳ hoặc không, làm cho câu chuyện
phong phú hơn. Ví dụ:
Sau khi thắng trận, Thánh Gióng đến một nơi, buộc ngựa sát vào hai cọc đá
lớn ngồi nghỉ. Ngày nay một cột đá còn thấy ở làng Cựu-tự cao khoảng ba
thước vòng rộng sáu tấc, xâu thẳng xuống một bệ đá tự nhiên hình bầu dục.
Ngựa sắt mệt quá sủi bọt mép thành một bãi cát trắng xóa lấp lánh dưới ánh
mặt trời. Bãi này nay thuộc xã Ngọc-xá, huyện Quế-võ, đặc biệt ở cách xa
bờ sông, người ta gọi là Bạch-nhạn-sa.
Hoặc Thánh Gióng đi qua một làng nọ ven sông Cầu, ở đây có một bà lão
bán nước vối. Thánh Gióng dừng lại xin nước uống. Bà lão dâng bầu rượu.
Uống xong, Thánh Gióng khen bà lão có lòng tốt, đặt tên là làng Bầu và
dặn lúc nào hạn, cho phép cầu mưa sẽ linh nghiệm. Từ đấy, mỗi khi đại
hạn, ở đây (nay gồm bảy làng gọi là tổng Bầu) có hội cầu mưa, người ta
thường rước thành hoàng làng lên Sóc-sơn để xin nước. v.v...
Cao Huy Đỉnh đã sưu tập rất nhiều những mẩu chuyện này trong quyển
Người anh hùng làng Dóng .
Sau đây là một số dị bản truyện Thánh Gióng, những dị bản này đều mang
hình thức thần tích.
1 Thạnh tướng quân. Đời Hùng Vương, ở làng Yên-việt có hai vợ chồng
hiếm con. Một hôm chồng lên núi, được thần Núi (Sơn thần nhạc phủ) báo
mộng cho đá đất làm con (do mẹ đá thụ thai đã ba năm). Một hôm bỗng có
tiếng sét nổ vang, phiến đá trong ao nhà họ tự nhiên nứt ra, xuất hiện một
em bé. Hai vợ chồng đưa về nuôi. Bảy tuổi chưa biết nói.
Bấy giờ có 50 vạn người Man cầm đầu là Lục Đinh thần tướng sang chiếm