- Không - Trần Bính Cung tiếp - Tôi sở dĩ mời anh đến đây là vì món nợ
làm tôi không lúc nào nguôi. Bây giờ tôi tính thế này. Ngôi nhà này của tôi
coi như gán vào món nợ, có văn khế viết sẵn ở đây. Nhưng trước mắt tôi:
con thơ vợ dại, em yếu, mẹ già, tình cảnh đáng quan ngại. Một mai tôi mất
đi, nếu gia đạo tôi có việc gì, dám xin anh tìm cách cứu vớt. Về sau, con tôi
ăn lên, gia đình tôi cất đầu lên được, nó sẽ không bao giờ quên ơn.
- Sao anh lại nói thế. Mẹ của anh cũng như mẹ của tôi, con của anh cũng
như con của tôi. Còn nhà của tôi cũng như nhà của anh. Dù có thế nào: tôi
cũng xin gắng sức. Anh cứ thuốc men cho lành, còn món nợ hãy gác lại,
đừng bận tâm gì vì nó cả.
Bính Cung không nghe lời, cứ ấn văn khế vào tay Đình Phương, lại gọi con
mình ra bảo lạy sống Đình Phương, rồi nói:
- Bây giờ tôi chết mới nhắm mắt. Đa tạ bạn. Tôi sẽ xin kết cỏ ngậm vành
kiếp sau.
Ngay sau khi Bính Cung tắt nghỉ. Nguyễn Đình Phương tỏ ra là người biết
giữ lời hứa của mình. Ông bỏ tiền làm ma cho bạn chu tất. Ông sốt sắng
giúp đỡ gia đình hạn: khi quan tiền, khi thúng thóc không biết sẻn. Cả nhà
Bính Cung coi ông như cây cột trụ. Làng mạc xóm giềng đều khen ngợi
không tiếc lời.
Nhưng dần dà người ta thấy lòng hào hiệp của Nguyễn Đình Phương không
phải là vô hạn. Sự giúp đỡ theo thời gian cứ thưa dần. Càng về sau, việc
vay mượn của gia đình Bính Cung trở nên khó khăn. Nhiều lúc người con
Bính Cung phải đợi suốt buổi, mà cuối cùng vẫn phải vác rá về không.
Đình Phương tuy có mặt ở nhà, nhưng người nhà vẫn đáp là "đi vắng". Thái
độ chuyển từ sốt sắng ra lạt lẽo của Đình Phương làm cho mẹ con Bính
Cung thất vọng, coi như một sự lừa gạt. Một hôm, sau những ngày thiếu ăn,
mấy lần đến vay không được, người vợ Bính Cung đón đường cố tìm gặp
Đình Phương để hỏi cho ra lẽ. Khi gặp mặt, người đàn bà vật nài: