Nguyễn đổng Chi
Kho Tàng Truyện Cổ Tích
KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM
TỪ BÌNH DIỆN MỘT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam gồm 5 tập, được công bố lần lượt trong
vòng 25 năm, từ năm 1958 đến 1982[1]. Ngay khi hai tập đầu tiên vừa ra
mắt, bộ sách đã được bạn đọc ngoài Bắc trong Nam chú ý, và lập tức có
tiếng vang ở nước ngoài[2]. Tập 3 tiếp tục ra mắt vào năm 1960, đã khẳng
định vị trí hiển nhiên của tác giả trong ngành cổ tích học. Từ đấy cho đến
khi tập IV xuất hiện (1975), theo yêu cầu của bạn đọc, các tập I, II, III đều
kế tiếp ba bốn lần được in lại. Có thể nói, chỉ với ba phương diện sưu tầm,
khảo dị và kể chuyện cổ tích, Nguyễn Đổng Chi đã sớm nổi bật lên như
một chuyên gia đầu đàn. Lê Văn Hảo và Tạ Phong Châu từ hai phương trời
cách biệt (Paris - Hà Nội), từng có những lời đánh giá nhất quán về ông[3].
Tuy vậy, phải đến ngày bộ sách xuất bản trọn vẹn (1982), tư cách nhà cổ
tích học Nguyễn Đổng Chi mới hiện diện đầy đủ nhất, ở chức năng người
tổng kết loại hình truyện cổ dân gian Việt-nam.
Với Phần thứ nhất của tập I, Nguyễn Đổng Chi đã trình cho bạn đọc ý kiến
của mình về "Bản chất truyện cổ tích", "Lai lịch truyện cổ tích" và "Truyện
cổ Việt-nam qua các thời đại". Với phần III và V, ông lại có dịp bàn trở lại
các vấn đề "Đặc điểm truyện cổ tích Việt-nam". Việc tái bản cùng lúc cả 5
tập vào năm 1993[4] càng giúp ta có điều kiện xem xét cả hai phần trong
một cái nhìn chỉnh thể. Nếu gộp hơn 80 trang phần đầu và gần 250 trang
phần cuối, quả thực người đọc đã được tiếp xúc với một chuyên đề lí luận
về truyện cổ tích Việt-nam khá nghiêm túc và hoàn chỉnh. Dưới đây, sẽ chỉ
xin điểm qua một số vấn đề mà chúng tôi thấy có thể làm rõ hơn quan điểm
và phương pháp nghiên cứu của tác giả, những vấn đề rút ra có phần ngẫu
nhiên và chưa hẳn đã là trọng điểm trong hệ thống các vấn đề cổ tích học