được Nguyễn Đổng Chi lựa chọn và trình bày.
*
* *
1. Có vấn đề đã từng là nội dung trao đổi của một số người. Chẳng hạn, để
nhận dạng thế nào là một truyện cổ tích, Nguyễn Đổng Chi nêu lên 3 tiêu
chí sau đây: 1. Phải có phong cách cổ; 2. Phải gần gũi với bản sắc dân tộc;
3. Phải có tính tư tưởng và tính nghệ thuật cao (Tập I, tr. 65-72). Trên tập
san B.E.F.E.O năm 1964, M. Durand đã không thỏa mãn với cách lý giải
quá vắn tắt của tác giả về tiêu chí thứ nhất, và tỏ ý nghi ngờ: "Đâu là ranh
giới giữa cái "kim" và cái "cổ"? Những truyện có liên quan đến thời Tự
Đức (1848 - 1883) phải được xem là "cổ" hay "kim"? (Bản dịch, Tập I, tr.
495)[5]. Thật ra, Durand đã không hiểu đúng thực chất luận điểm của
Nguyễn Đổng Chi. Phải nói đây là một vấn đề lý thú, được ông nghiền
ngẫm rất sâu, nhằm tiếp cận thật xác đáng đặc trưng của một thể loại.
Chúng ta ai mà chẳng từng gặp tình trạng bối rối khi muốn phân biệt truyện
cổ tích với một vài thể loại tự sự dân gian khác rất gần với nó, như truyền
thuyết, ngụ ngôn, truyện thời sự chẳng hạn? Căn cứ thuyết phục nhất làm
chỗ dựa trong những trường hợp này là ở đâu? Kinh nghiệm thực tế cho
thấy không thể phân biệt chúng ở nội dung hay hình thức câu chuyện, vì
chúng khá giống nhau; cũng không thể phân biệt ở chức năng, vì không
nhất thiết cứ truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện thời sự thì chức năng phải
khác với cổ tích. Cuối cùng, Nguyễn Đổng Chi đã tìm ra sự khác nhau giữa
chúng là ở cấp độ nghệ thuật. Cả 3 tiêu chí mà tác giả đề xuất đều thống
nhất với nhau ở chỗ: muốn biện minh rõ cổ tích là thể loại "đã đạt đến cấp
độ cao trong nghệ thuật tự sự truyền miệng" (tr. 72), "là một loại hình tự sự
hoàn chỉnh nhất trong các loại hình tự sự dân gian" (tr. 70-71) Đó là mấu
chốt để ông triển khai lập luận liên hoàn của mình. Vận dụng vào tiêu chí
thứ nhất: đặc trưng "cổ" của cổ tích, ông không hiểu đơn giản như Durand
là phải định cho được một vạch mốc lịch sử để qua đó phân chia đâu là
"kim" đâu là "cổ". Định một vạch mốc hẳn không phải là chuyện khó,