ngày cưới, cô dâu nằm trong cáng, hai bên có rủ diềm che kín. Đám cưới
đến sân nhà trai, cô dâu trùm mặt xuống cáng và đi vào buồng. Đến lễ hợp
cần, chàng rể bước vào buồn nhìn thấy một người khác hẳn người mà mình
đã được xem mặt lần trước, anh ta liền phản ứng, không chịu, Để cho sự
việc được êm thấm, phú ông bèn cho chàng học trò một số ruộng đất để vợ
chồng làm ăn sinh sống. Vì nhà nghèo nên anh học trò đành phải nhận lấy
cô thay cháu. Những truyện này càng cho thấy việc chuẩn bị vốn liếng của
người anh mà sau này là nhà cổ tích học nổi tiếng thì ra đã bắt đầu từ rất
lâu.
Anh tôi làm báo đến cuối năm 1935 thì xin nghỉ về quê giúp đỡ mẹ già.
Nhưng nghỉ rồi, anh vẫn còn tiếc cái nghề làm báo. Anh chăm chỉ đọc, và
đi đó đi đây tìm kiếm đề tài viết thành bài đăng tải trên các báo ở Nghệ -
Tĩnh. Cho đến năm 1936 thì có một số kiện xảy ra làm biến đổi ít nhiều bộ
mặt chính trị của đất nước, đó là ở bên Pháp, Chính phủ bình dân của Đảng
xã hội do Lê-ông Blum (Léon Blum) lên nắm quyền. Mặt trận bình dân
Pháp được thành lập, và phong trào dân chủ nhanh chóng lan sang Việt-
nam. Không khí tinh thần có phần cởi mở hơn trước. Kiểm duyệt bị bãi bỏ.
Báo chí được nới rộng quyền tự do ngôn luận, và dân chúng thì sôi sục tố
cáo bọn tham quan ô lại, nhất là đám cường hào ở nông thôn. Đã có một
thời, báo chí thoải mái đăng báo chỉ trích phê phán các tệ nạn tiêu cực mà
không phải lo sợ bị bịt mồm. Ở Trung-kỳ, tờ báo Tiếng dân của cụ Huỳnh
Thúc Kháng là hăng hái nhất, liên tiếp đưa lên báo tiếng kêu cứu của nông
dân trong các làng xã.
Chí làm báo, viết sách của anh tôi lại có dịp trỗi dậy. Không ngồi yên ở