thần tung hoàng trên mọi trận địa và làm cho quân Minh bạt vía. Chẳng
mấy chốc tiếng tăm của quân Lam-sơn lan khắp nơi. Họ không phải trốn
tránh trong rừng nữa mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ
cực như trước nữa, đã có những kho lương thực của giặc mới cướp được
tiếp tế cho họ. Gươm thần đã mở đường cho họ đánh tràn ra mãi cho đến
lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.
Sau khi đuổi giặc Minh về được một năm, ngày hôm ấy Lê Lợi - bấy giờ đã
là một vị thiên tử - cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả-vọng trước kinh
thành. Nhân dịp đó, Long quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần.
Khi chiếc thuyền chèo ra giữa hồ thì tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu
và mai lên khỏi làn nước xanh. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Vua
đứng trên và nhận thấy lưỡi gươm đeo bên mình cũng đang cử động. Con
rùa vàng không sợ người, nhô thêm nữa, tiến sát về phía thuyền vua. Nó
đứng nổi lên trên mặt nước và nói:
- Bệ hạ hoàn gươm cho Long quân!
Nghe nói thế nhà vua bỗng hiểu ra bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ
một lát thanh gươm thần rời khỏi tay vua bay đến phía rùa vàng. Nhanh
như cắt, rùa há miệng đớp lấy ngang lưỡi. Cho đến khi gươm và rùa lặn
xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dười mặt nước hồ xanh.
Khi những chiếc thuyền của bá quan tiến lên kịp thuyền rồng thì vua liền
báo ngay cho họ biết:
- Đức Long quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh.
Nay đất nước đã thanh bình, Người sai rùa lấy lại.