tháng Giêng năm nay, nhân sinh nhật 70 tuổi của mình, trước các bạn bè cũ,
các bạn văn cũng như các đồng chí cùng hoạt động với ông thời tiền khởi
nghĩa, trong đó có người viết bài này, ông có đọc một bài ca trù tự vịnh mà
mấy câu mở đầu nay đọc lại cứ tưởng như một lời báo trước, một sự linh
cảm:
Đổng Chi nhất lão,
Mới ngày nào còn lơ láo biết chi chi;
Cho đến nay đầu nhuốm bạc, gân đang suy,
Cười một tiếng: "Cổ lai hy không mấy chốc".
Cuộc đời Nguyễn Đổng Chi là cuộc đời một người cầm bút phong phú, sâu
rộng trên nhiều lĩnh vực, và cũng là một cuộc đời đầy hoạt động. Sinh ra
trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Ích-hậu, huyện Can-lộc, tỉnh Hà-
tĩnh, ông là con thứ ba của cụ Nguyễn Hiệt Chi, tức Đầu xứ Thuận, biệt
hiệu Mộng Thương, tác giả Sách mẹo tiếng Nam, Hán văn tân giáo khoa
thư nhiều tập, Hán văn tân giáo pháp, Ba-xã địa dư... và nhiều thơ, văn
khác, một nhà giáo có uy vọng. Học trò cụ nay còn lại đều là những bậc
thức giả đáng kính - như các ông Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp, Phạm
Thiều... - vẫn thường nhắc đến đức độ của cụ. Nguyễn Hiệt Chi từng có
chân sáng lập Công ty Liên Thành và trường Dục Thanh ở Phan-thiết là nơi
tập trung khá nhiều chí sĩ yêu nước buổi đầu thế kỷ. Năm 1910, trước lúc
xuất dương tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí
Minh sau năm 1945) có ghé lại Phan-thiết dạy ở trường này một thời gian,
và một trong những học trò của ông là người anh trai đầu của Nguyễn
Đổng Chi, tức Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, Thứ trưởng Bộ Y tế hồi đầu cuộc
kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Đổng Chi còn có người chú ruột là
Nguyễn Hàng Chi, người cầm đầu phong trào Duy tân và Chống thuế ở
Nghệ - Tĩnh. Tuy học rất giỏi, ông đã kiên quyết tẩy chay thi cử và cùng
bạn bè tổ chức vụ phá trường thi Hà-tĩnh (1906) trong một cuộc khảo hạch
để được miễn thuế thân mà ông cho là làm hèn hạ con người. Nguyễn Hàng
Chi cũng là người thanh niên đầu tiên cắt "búi tó" trong vùng với một bài