tập phúc", một hình thức "hội kín" biến tướng. Bị mật thám Hà-tĩnh đe dọa
về việc này nhưng ông không lui bước. Cùng một vài thanh niên yêu nước
trong vùng như Nguyễn Chung Anh, Đặng Giá, Nguyễn Đổng Chi đã ra
Hà-nội (1942), lấy cớ đi đọc sách ở Trường Viễn đông bác cổ, tìm gặp
Nguyễn Đắc Giới (tức Thôi Hữu) để bắt liên lạc với Mặt trận Việt minh.
Năm 1943, các anh trở về Hà-tĩnh tổ chức cơ sở đầu tiên của Mặt trận Việt
minh ở tỉnh. Lúc này một người tù cách mạng là Chu Huệ đã vượt ngục
Buôn Mê-thuột ra Hà-tĩnh, tìm đến để phối hợp hoạt động. Phong trào cứu
quốc từ đây càng phát triển một cách vững chắc. Cuối năm đó bị địch
khủng bố, một số anh em bị bắt, nhưng Nguyễn Đổng Chi vẫn giữ vững
mối liên hệ với các bạn còn lại. Đến cuối 1944, tổ chức được phục hồi; sau
cuộc họp ở chân núi Hồng lĩnh, Đoàn thanh niên cứu quốc đã gặp gỡ ông
Nguyễn Hiền từ Huế cử ra, lại liên lạc được với ông Nguyễn Tạo từ Tổng
bộ Việt minh về lập căn cứ Tràng-sim, xây dựng phong trào ở Nghệ - Tĩnh.
Cùng các anh em trong Đoàn thanh niên cứu quốc, Nguyên Đổng Chi hăng
hái dấn mình vào mọi hoạt động cách mạng trong vùng, và khi có lệnh
Tổng khởi nghĩa, ông đã tham gia lãnh đạo cướp chính quyền huyện Can-
lộc vào một ngày sớm nhất trong tỉnh: 16-VIII-1945. Hồi tưởng lại việc
này, ông viết những câu thật sảng khoái:
Chân non Hồng nhóm họp dăm bảy bạn anh hào,
Dân quần chúng dám tấn công vào Can-lộc.
Cờ ứng nghĩa đầu tiên sao vàng tung bay sáng rực,
Tiếng reo hò hả nỗi nhục non sông...
Những ngày này dường như ở trong Nguyễn Đổng Chi đã có hai con người
cùng gắn bó làm một: con người cách mạng và con người văn hóa. Say mê,
xông xáo, ông dồn hết sức trẻ vào hoạt động, với niềm mong muốn chân
thành xây dựng nền văn hóa mới Việt-nam.
Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đổng Chi ra Vinh nhận công tác văn
hóa, tuyên truyền. Ông làm Trợ bút báo Kháng địch (1945), Chủ bút báo