tạo cho người cần tư vấn một không gian thoải mái, để họ có thể kể câu
chuyện của mình, chia sẻ với một người xa lạ trong mấy lần gặp mặt
đầu tiên. Người tư vấn chỉ nên cho lời khuyên trong lúc cần thiết, hoặc
sau khi đã chắc rằng mình hiểu được hoàn cảnh và tâm lý của người cần
tư vấn. Nhưng đó là bước đi của những lần gặp mặt sau này, còn ở
những lần đầu tiên, đơn giản chỉ là ngồi nghe câu chuyện của họ.
Nhu cầu được chia sẻ luôn luôn là nhu cầu cấp thiết của con người. Tuy
nhiên, trong xã hội hiện tại, với áp lực của việc kiếm tiền và cuộc sống,
người ta thường lãng quên sự cần thiết của việc chia sẻ cảm xúc. Đến
khi thật sự mỏi mệt, con người lại loay hoay không biết trút nỗi lòng
cùng ai. Vì nhiều lý do, họ không thể tâm sự với người thân, nhất là cha
mẹ hay anh chị em trong gia đình. Một cô gái không thể tâm sự, xin ý
kiến của mẹ mình rằng vì sao sau khi trao cái ngàn vàng cho cậu bạn
trai xong, cậu ta lại lạnh nhạt, không nồng ấm với mình như xưa. Một
cậu con trai cũng không thể nói chuyện với ba mình rằng con thấy nhớ
anh lớp trưởng, đặc biệt là nụ cười của anh ấy. Cũng có khi, con người
không thể tâm sự, chia sẻ với bạn bè thân vì sĩ diện. Chia tay người yêu,
người ta vẫn thích ngồi một mình và khóc hơn là bù lu bù loa trước mặt
bạn bè, vì không muốn sau này bạn bè nhìn ra được lúc yếu lòng mình
đã xấu xí đến thế nào. Chính vì vậy, mỗi khi cần tâm sự, con người ta
lại hay đi kiếm một kẻ xa lạ.
Thời gian còn học bên nước ngoài, trang cá nhân của Mễ cũng khá đông
bạn bè. Có nhiều người bạn Mễ chưa từng gặp bên ngoài, nhưng mỗi
khi có chuyện, họ lại vào tìm Mễ tâm sự. Chính xác hơn là tìm Mễ nghe
họ nói, vì Mễ thường chỉ im lặng. Khi được hỏi vì sao chọn Mễ, một
người xa lạ để kể chuyện, họ chỉ trả lời, “Vì cảm thấy an toàn.”
Cũng đúng, với người lạ, người ta cần đề phòng một, thì với người thân,
lại cần đề phòng gấp mười. Và vì biết người ta cần một người lạ để tâm
sự, Mễ quyết định mở phòng tư vấn tâm lý này, tự biến bản thân thành
cái thùng rác cảm xúc của người khác.