ALAN PATON
KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
Dịch giả: NGUYỄN HIẾN LÊ
Chương 5
Tôi đã giữ cho huynh một phòng trong nhà một bà già, bà Lithebe, một
người hiền lương trong giáo khu. Bà ta là người Msutu, nhưng nói thạo
tiếng Zulu. Bà ta sẽ lấy làm hân hạnh có một mục sư trong nhà. Tiền phòng
rẻ, có ba si-ling một tuần thôi, còn ăn uống thì huynh qua đây ăn với anh
em trong hội Truyền Giáo. Ủa, chuông đánh báo tới bữa ăn rồi này. Mời
huynh đi rửa tay.
Họ rửa tay trong một phòng rất tân thời, có một la-va-bô trắng tinh, đủ
nước nóng nước lạnh, mấy chiếc khăn mặt tuy đã cũ nhưng rất trắng, cầu
tiêu cũng tân thời. Xong rồi chỉ cần ấn một cái nút nhỏ là nước ồ ồ chảy ra
như có cái gì bể vậy, không biết trước thì giật mình.
Họ vô một căn phòng bàn ăn đã dọn sẵn và Kumalo gặp mấy mục sư nữa
cả da trắng lẫn da đen; họ đọc kinh tạ ơn rồi bắt đầu ăn. Kumalo nhìn thấy
có nhiều đĩa, dao và nĩa, hơi hoang mang, nhưng rồi để ý ngó các người
khác làm ra sao và cũng làm vậy.
Ông ngồi bên một mục sư trẻ tuổi, cặp má hồng hào từ Anh qua; mục sư
này hỏi ông từ đâu tới và miền ông ở ra sao. Một mục sư khác, da đen la
lên:
- Quê tôi cũng ở Ixopo. Song thân tôi còn sống ở đó, trong thung lũng
Lufafa. Miền đó lúc này ra sao?
Và Kumalo nói chuyện về những miền đó cho họ nghe, tả những đồi cao và
thung lũng của xứ xa xôi mà ông yêu quí đó. Giọng ông chắc nồng nàn vì
mọi người đều làm thinh, chăm chú nghe ông. Ông cũng tả bệnh cằn cỗi
của đất đai, cây cỏ chết lụi, khe suối khô cạn; cảnh tiêu điều trong miền chỉ
còn các ông già bà cả, đàn bà và con nít; bắp thì cao không tới đầu người
mà bộ lạc thì tan tác, nhà cửa hoang tàn, con người thất vọng; mà khi họ bỏ
nhà ra đi rồi thì nhiều kẻ không khi nào trở về nữa, nhiều kẻ không viết một
bức thư nào về nữa. Ông bảo rằng tình cảnh đó không chỉ riêng ở
Ndotsheni, mà chung cho cả các thung lũng Lufafa, Imhlavini, Umkomaas