Tiếp theo tôi kiểm tra túi đựng quần áo. Một chiếc quần dài
kiểu thể thao, một cái áo ngực thể thao, đồ lót, một áo phông xanh
đơn giản và mấy chiếc dép tông - tất cả những thứ có thể mua
nếu người ta không biết chắc kích cỡ của người mặc. Tôi gầy trơ
xương, kiểu chẳng có ngực, cũng chẳng cơ bắp gì. Miễn sao cái quần
có dây rút ở thắt lưng là tôi mặc được ngon ơ. Ở đáy túi là một phong
bì và tờ hai mươi đô với mẩu giấy dán nhỏ có in chữ “tiền taxi” ngay
ngắn ở trên.
Lại nữa, cái chết tiệt gì thế này? Phản ứng đầu tiên của tôi là
nổi cáu. Tôi cóc cần ai giúp đỡ cả. Tôi tự lo cho mình, vì thẳng tưng
mà nói, dựa dẫm vào người khác có nghĩa là đứng bên ngoài một ngôi
trường cấp hai khóa kín hết sạch người vào lúc sáu giờ và bảo với bà
Robichaux rằng, Không đâu, thật đấy, mẹ cháu sẽ đến ngay thôi
và cháu không cần đi quá giang đâu trong khi: a) Kerrie Robichaux,
đứa có nhiều bài kiểm tra chính tả đạt 100 điểm đang nhìn tôi qua
cửa sổ xe theo cái kiểu mà tôi chắc chắn có ý muốn nói rằng,
Đừng có mơ đến chuyện vác cái đít bẩn thỉu của mày vào ghế sau
của chiếc xe đẹp đẽ này, và b) Mẹ thì đang tiện thể quên béng là tôi
có tồn tại, vì cuộc đời của mẹ thì ngon lành hơn rất rất nhiều
trước khi bị chất lên vai một đứa nhỏ và phải làm những công việc
buồn tẻ, như là đón nó từ trường về và đảm bảo nó có quần áo
cùng tất sạch đồng bộ với nhau.
Tôi tự lo cho mình bởi tôi rút ra được rằng mọi thứ tốt hơn khi
mẹ không nhớ việc có tôi ở bên. Và kể cả sau khi mẹ đã qua đời thì tôi
vẫn tự lo cho mình vì bố không thể làm một người cha, mà thay vào
đó là ngồi ở quán bar Kaster, nhớ lại những ngày khi cuộc sống của
bố còn đơn giản, vợ bố thì thú vị và bố vẫn còn làm việc ở giàn
khoan dầu.
Nhưng tôi lại đang trần trùng trục, chậc, nếu không tính đến
cái váy của bệnh viện. Và tôi không thể tự xoay xở chuyện đó nếu