như tôi không có gì đáng giá đánh đổi, ngoài chính tôi. Gã chỉ chờ đợi điều
đó thôi, khẽ cười đắc thắng.
Nhưng tôi câm lặng không phải vì tuyệt vọng mà vì những bức ảnh
trong bài báo phất phơ trên tay gã. Ba tôi, Anh, và tôi của ngày hai mươi ba
tuổi. Tấm hình tôi dán trong bộ hồ sơ xin việc, mặt quang quẽ, tóc vén lên
vành tai, nhìn thẳng, hơi mỉm cười nhưng mắt tối. Trên bài báo, ba cái ảnh
nằm gần như cạnh nhau, nhưng hai người kia đang tuyệt vọng tìm tôi. Ngày
trên trang báo dừng lại ở mười ba năm trước.
Ngày hai mươi ba tháng tám. Không biết bữa đó tôi với Phiên đang ở
trên chuyến xe đò nào trong một lộ trình trốn chạy. Ngày hôm đó, có thể
chúng tôi đang ôm nhau ngủ còng queo trong một toa xe lửa hôi sặc cứt gà,
một phòng trọ mốc meo, có thể chúng tôi đang ngồi tàu đò, lúc đi qua cái
cồn xanh mịt những rặng dừa nước, rặng bần có ai đó thở dài ứ hự, “cho tui
nhiêu tiền cũng không lên cái cồn Bần này ở, buồn thấy mẹ…”, tôi liền kêu
tàu ghé lại. Anh tài công xửng vửng, chắc hôn vậy, chắc chỗ này không, tôi
gật đầu cười, bồng Phiên bước lên bờ, nói về tới nhà rồi, cưng ơi.
Chiếc tàu de khỏi bờ lá, Phiên vẫn đang ngái ngủ trên vai tôi, không
biết rằng từ nay nó sẽ sống một cuộc đời khác, với cỏ cây, với sông nước,
và vài ba nóc nhà thưa thớt của xóm cồn.
2
Khoảng cách ngàn cây số cũng không ngăn được những chiêm bao.
Có thể ban ngày tôi thường nhớ, khi ngó cỏ cây, nhìn những người xóm
Cồn í ới giúp tôi lợp nhà, ven vách, nhìn Phiên lửng đửng đi từng bước trên
đất… tất cả đều quen thuộc. Như những gì cất giữ ở Viện di sản thiên nhiên
và con người.
Mỗi chiêm bao là một lát cắt, một cảnh phim dang dở về nơi đó. Có
khi tôi thấy vía mình ngập ngừng đi vào một tòa nhà cũ chìm lút trong một