Chúng ta, không chỉ là những phi công lái máy bay chiến đấu, mà còn
là phi công của Hải quân, đều được huấn luyện rằng khi máy bay gặp sự cố,
khó lòng trở về thì phải tấn công liều chết vào tàu hoặc căn cứ địch. Đặc
biệt là khi bị trúng đạn trên không phận địch thì nhất định phải làm thế. Tại
Guadalcanal, ta đã từng nhiều lần nhìn thấy các Chuko bị trúng đạn đâm
vào sân bay địch. Khi đó ta nghĩ rằng việc ấy là hiển nhiên, nếu là ta thì
cũng không do dự mà đâm vào căn cứ hay tàu địch.
Bây giờ nghĩ lại, có lẽ vùng đất này đã sản sinh ra đội cảm tử quân
Thần phong sau này. Nhưng bấy giờ, khi thấy người bạn chiến đấu vì
không đủ nhiên liệu nên sắp phải tấn công liều chết trước mắt, ta không
đành lòng. Koyama là đàn em sau ta một năm ở Yatabe, là đồng đội cùng
ăn cùng ngủ, là bạn thân nhất của ta tại Rabaul.
Tiểu đội trưởng thấy thế cũng giơ tay ra hiệu. Thời đó, máy bay của
chúng ta có trang bị bộ đàm nhưng nó hoàn toàn vô dụng, đầy tạp âm,
chẳng thể nghe thấy gì. Chính vì thế, các thành viên phi đội chỉ có thể trao
đổi với nhau bằng tay. Trong trận Trân Châu Cảng, cũng vì không thể dùng
điện đàm mà các phi công đội công kích đã sử dụng pháo tín hiệu.
Đáp lại câu hỏi “Còn khoảng bao nhiêu nữa?” Koyama cho biết,
“Trước Buin khoảng 100 hải lý.” 100 hải lý nghĩa là khoảng 180 cây số.
Tiểu đội trưởng Miyabe ra dấu “Dù thế nào cũng gắng lên, hãy bay
về!” Nhất đẳng binh Koyama đáp “Rõ!”
Ta định động viên Koyama nên bay đến khá gần, ghẹ cánh máy bay
của ta vào cánh của cậu ấy. Cậu ấy nhận ra, dùng tay ra hiệu “Đánh nhau
đi!”
Cả hai chúng ta đều cười. Kỳ lạ thật, con người lại có thể cười ngay cả
trong những lúc như vậy.
Máy bay của tiểu đội trưởng chậm rãi tăng độ cao để tiết kiệm nhiên
liệu hơn. Vả lại khi hết nhiên liệu, ở độ cao lớn thì quãng đường trượt sẽ
dài hơn. Nhưng, ở trên cao không khí loãng, nhiệt độ thấp, đối với phi công
không phải hành trình dễ dàng gì. Hơn nữa, nếu tăng độ cao quá gấp sẽ
ngốn một lượng nhiên liệu khổng lồ.