thân xác bị đập xuống mặt đất. Ta đã sống qua 80 năm rồi, nhưng chưa
từng trải nghiệm nỗi sợ nào khủng khiếp đến thế.
Chắc hẳn những người thực sự đâm vào tàu địch trong các đợt tấn
công tự sát còn nếm trải nỗi kinh hoàng khủng khiếp hơn nhiều.
Tháng Bảy, ta nhận nhiệm vụ phi công đội Oka, di chuyển đến căn cứ
Omura, Nagasaki. Giai đoạn đó, nhóm căn cứ Nam Kyushu như
Kagoshima hay Miyazaki bị không kích và mất chức năng căn cứ. Vì thế,
nhóm căn cứ đảo Kagishima chỉ được dùng khi xuất kích cho những cuộc
tấn công đặc biệt.
Ta nhớ là mình đã gặp thầy Miyabe tại Omura, nhưng không rõ lúc ấy
có nói chuyện với thầy hay không. Những chuyện xảy ra vào khoảng thời
gian đó chỉ là một dòng ký ức mơ hồ. Sáng nào không thấy tên mình trong
bảng phân công nhiệm vụ thì biết mạng sống của mình được kéo dài thêm
một ngày. Tuy nhiên, trước khi có lệnh xuất kích thì chiến tranh kết thúc.
Tâm trạng của ta khi chiến tranh kết thúc sao? Chính xác là rất nhẹ
nhõm, nhưng đồng thời ta cũng cảm thấy chiến tranh kết thúc quá muộn
màng. Ta thấy thật áy náy khi chỉ còn riêng ta sống sót, xót thương cho
những đồng đội đã ra đi. Suy nghĩ ấy mãi không biến mất được, đến bây
giờ cũng không.
Ông Okabe dứt lời, sự im lặng bao trùm cả căn phòng. Tôi có thể nghe
cả tiếng muỗi vo ve.
“Kẻ nghĩ ra Oka không phải là con người!” Chị nghẹn ngào thốt lên.
Ông Okabe gật đầu không chút lưỡng lự.
“Nghe nói căn cứ Gonoike nơi ta tập huấn bây giờ là công viên Oka.
Tại đó còn trưng bày cả những chiếc Oka. Nhưng ta không nghĩ mình còn
muốn thấy lại chúng lần nữa.”
“Cháu hiểu.” Tôi đáp.
“Tuy nhiên, ta lại vô tình nhìn thấy chúng tại Viện bảo tàng
Smithsonian khi đi Mỹ du lịch 10 năm trước. Chiếc Oka được treo trên trần