Tao tốt nghiệp khóa thực hành dự bị ở Kasumigaura vào đầu năm
1943. Đầu tiên là Đài Loan, sau đó tao đến Bắc Đảo, Java rồi Balikpapan ở
Borneo. Tao chỉ thực hiện bổn phận của một phi công lái máy bay chiến
đấu. Đó là bắn càng nhiều máy bay địch càng tốt.
Thật may mắn vì chiến trường đầu tiên ta tham gia là Balikpapan. Ở
đó có mỏ dầu, nhiên liệu phong phú nên tập huấn bao nhiêu cũng được. Tao
nghĩ kỹ thuật của ta được nâng cao chính nhờ nơi ấy.
Tao đã bắn rơi được máy bay địch trong trận đấu tại Balikpapan. Đó là
một chiếc Spitfire
. Giai đoạn đó, những phi công trẻ đi cùng ta từ Nhật
Bản đến đều mất mạng ngay trận đầu tiên. Những bọn đến sau cũng thế.
Giống như đến đó để chết vậy. Những người có thể sống sót qua ba lần
không chiến là rất hiếm. Máy bay địch với tính năng vượt trội hơn Reisen,
kỹ thuật của phi công cũng đã nâng cao. Hơn nữa, chúng còn có radar, số
lượng lại áp đảo.
Vậy mà trong tình cảnh đó, ngay trong tuần đầu với bốn lần xuất kích
tao đã bắn rơi hai chiếc. Mọi người nhìn tao hoàn toàn bằng con mắt khác.
Không phải tự mãn, nhưng tao phải thừa nhận tài không chiến của mình.
Trong nửa năm đầu, bao gồm cả những chiếc không xác định được thì tao
đã bắn được gần 10 chiếc máy bay địch.
Tao đến Rabaul vào mùa thu năm 1943. Rabaul khi đó đã không còn là
Phi đội Rabaul hiển hách như xưa. Các hòn đảo xung quanh lần lượt bị
quân Mỹ chiếm đóng, quân ta chỉ chiến đấu phòng thủ. Mệnh lệnh điều
chuyển đến Rabaul được gọi là tấm vé một chiều.
Liên tiếp hằng ngày đều bị không kích. Quy mô của chúng lại rất
khủng khiếp. Cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom từ 150 đến 200
chiếc được điều đến mỗi ngày. Khi nhiều còn lên đến 300. Phe ta chỉ vỏn
vẹn 50 chiếc. Các trận chiến hầu hết đều là đánh chặn. Tuy nhiên, việc này
hợp với tính tao. Nói thẳng ra tao rất ghét việc hộ tống cho các máy bay
ném bom chậm chạp, bởi việc đó như bị xích lại. Nếu là các trận đánh chặn
thì tao có thể tự do chiến đấu.