của con người, loài chim và loài thú, nó không gợi lên một ý nghĩa gì, chỉ
là những tạp âm rất chói tai.
Bệnh nhân đột biến đó đang ngồi trên gối một bà lão với mái tóc trộn
lẫn những sợi bạc, bà vội vã lên tiếng.
“Mii à, không được. Trật tự nào!”
Thế nhưng bệnh nhân đột biến nọ vẫn mải miết kêu, mắt đảo tròn liên
tục. Giống như một món đồ chơi bị hỏng. Một món đồ chơi đáng thương,
nhả ra thứ tiếng động cơ cành cạch ồn ào và quay vòng như bị loạn.
“Mii!”
Thấy người bệnh không chịu giữ im lặng, bà lão cuống quýt lên tiếng
nhắc nhở.
Những ánh mắt lên án sắc lẹm của mọi người xung quanh. Những ánh
mắt lạnh lùng. Áp lực không lời về việc phải mau chóng khiến người thân
giữ trật tự. Nhưng bà lão chẳng làm được gì, chỉ cuống quýt ở đó. Nhìn
cảnh ấy, Miharu cảm thấy khó thở và không thể ngồi yên được.
Những bậc làm cha mẹ bất lực khi con cái gây ồn không hề hiếm. Thế
nên cô có cảm giác như ruột đau quặn thắt lại.
Không ai nói ra miệng cả, nhưng quanh họ tỏa ra bầu không khí khó
chịu. Bà lão tuy hiểu rất rõ điều này song bà không có cách nào khiến bệnh
nhân kia im lặng. Chỉ có cảm giác có lỗi vì làm phiền người khác và cảm
giác nóng ruột muốn sớm trấn tĩnh người thân vây lấy bà.
Cuối cùng, họ nghe thấy tiếng chép miệng, không rõ từ hướng nào.
Lúc này, việc ai là người chép miệng không còn quan trọng nữa. Bà lão mặt
mũi trắng xanh, ôm lấy bệnh nhân đột biến và đứng lên. Bà che gương mặt
của bệnh nhân lại, ghì sâu vào ngực mình rồi ra khỏi phòng chờ.
Tiếng kêu bị đè nén xuống ấy xa dần, một luồng không khí như tiếng
thở phào nhẹ nhõm không biết từ đâu tràn tới.
“Chị Tanashi ơi.”
Như thể người ta căn thời điểm rồi mới gọi cô vậy, cô bất giác giật nảy
mình. Miharu ngẩng đầu lên rồi hấp tấp đứng dậy. Cô muốn rời khỏi căn