Miharu nghe kể rằng trong trường hợp này anh có thể xin nghỉ phép ở
công ty để đưa tang người thân.
Việc nghỉ đưa tang không được pháp luật quy định cụ thể, nên mỗi
công ty tự quy định số ngày nghỉ và việc có cấp lương cho ngày nghỉ này
hay không. Công ty nơi Isao làm việc có chế độ khá tốt, nghe nói anh có
thể nghỉ có lương để đưa tang người thân ruột thịt trong vòng ba đời với
mình. Lần này người mất là con ruột, tức là đời một, anh có thể nghỉ tối đa
năm ngày, nhưng điều này chỉ áp dụng trong trường hợp thông thường.
“Chẳng có ai xin nghỉ đưa tang một người bị đột biến cả.” Isao quả
quyết nói. Có lẽ anh đang thuật lại một vài tiền lệ ở công ty anh.
Miharu chưa từng nghe chồng kể đồng nghiệp nào ở công ty anh có
con cái bị đột biến gen cả. Có lẽ anh cũng sẽ không hé răng về chuyện con
trai mình bị đột biến. Chỉ có điều, có vẻ như Isao đã chuẩn bị tinh thần cho
việc Yuichi trở nên như hiện tại, nên cô có thể đoán được rằng lý do anh
không nhắc tới chuyện này hoàn toàn khác với cô - cô luôn trốn tránh vì
không muốn đối mặt với hiện thực.
Vợ chồng xét cho cùng vẫn là hai cá thể riêng biệt. Họ đâu thể nắm
được mọi suy nghĩ trong đầu nhau.
Dù sao Miharu cũng chẳng có lý do gì để ngăn Isao đi làm, thế nên cô
không nói gì cả.
Trong ngày hôm qua họ đã báo tin buồn tới họ hàng thân thích. Phản
ứng của mọi người phần lớn là điềm tĩnh. Lời lẽ của mọi người vẫn mang ý
thương cảm, nhưng cô có thể nhận thấy ít nhiều sự ngạc nhiên trong đó.
Lúc gọi điện báo tin cho bà Kiyomi để làm tròn nghĩa vụ, cô cũng cảm
thấy như vậy. Nghe Miharu kể xong, bà Kiyomi thở một hơi dài rồi nói:
“Tội nghiệp thằng bé quá”, nhưng sắc thái “quả nhiên ngày này cũng tới”
lộ ra một cách rõ rệt trong câu nói của bà.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Căn bệnh biến thành sinh vật quái dị là
căn bệnh của những thanh thiếu niên giam mình trong phòng ăn bám bố