Trong quân đoàn Quan Đông, người tích cực hành động nhất trong việc
đánh dẹp Đổng Thừa, ngoài Tào Tháo ra, chính là Tôn Kiên. Xét về công
lao cụ thể, Tôn Kiên còn hơn cả Tào Tháo. Ông ta không những đánh thắng
đại tướng tiên phong Từ Vinh của Đổng Trác mà trong chiến dịch tây tiến,
lại một mình chém chết vô địch tướng quân Hoa Hùng, đến cả chiến tướng
Lã Bố cũng chịu thua, khiến chính quyền Đổng Trác bị chao đảo.
Tháng 12 năm Sơ Bình Nguyên Niên, Tôn Kiên và thủ lĩnh các đội quân,
cùng uống rượu trong doanh trại phía đông thành Lỗ Dương. Đột nhiên
được tin báo mấy vạn kỵ binh và bộ binh của Đổng Trác, sẽ đánh Lỗ
Dương. Tôn Kiên chẳng chút vội vàng, vẫn ngồi nguyên tại chỗ, chỉ huy bố
phòng của quân sĩ. Sau khi mọi người đã vào vị trí chiến đấu, Tôn Kiên mới
đứng dậy, dẫn những người thân tín nhất vào thành, thảo luận việc tác
chiến. Thuộc hạ thấy ông ta trong lúc nguy cấp như thế, vẫn cười nói mà
chỉ huy, chẳng thể không khâm phục.
Tôn Kiên lại cười mà nói rằng: “Ta đâu phải không khẩn trương, chẳng qua
là nếu ta đứng lên đi khỏi chỗ ấy, ắt sẽ dẫn theo việc các binh sĩ vội vàng rút
lui, như vậy sẽ tranh giành lẫn nhau, có thể bởi thế mà rối loạn, chư vị
chẳng thể về lại được trong thành”.
Sau sự kiện này, Tôn Kiên nổi tiếng thiện chiến, lan truyền khắp toàn quốc.
Bởi quân lực của Tôn Kiên rất lớn, dẫn đến sự nghi ngờ của Viên Thuật,
xảy ra việc cố ý, chậm cung cấp lương thảo để cản trở việc tác chiến.
Tôn Kiên biết vậy rất bực tức, ông một mình một ngựa nhân khi đêm tối
qua khỏi chiến tuyến, mau chóng đến thẳng doanh trại của Viên Thuật,
thẳng thắn trách cứ việc làm sai lầm của Viên Thuật. Viên Thuật rất hổ thẹn
liền hạ lệnh khẩn cấp bổ sung lương thảo. Tôn Kiên lại lập tức phóng ngựa
về tiền tuyến trước khi trời sáng để chỉ huy tác chiến. Quân tâm bởi thế
càng thêm hăng hái. Đổng Trác phải dùng đến cả Lã Bố cũng chẳng thể
ngăn chặn nổi Tôn Kiên, thành Lạc Dương bởi thế mà thất thủ.
Tôn Kiên dẫn quân vào hoàng cung ở Lạc Dương vơ vét. Sách “Tư trị
thông giám” có chép: Tôn Kiên ở sân sau hoàng cung, cướp được ngọc tỉ
truyền quốc của nhà Hán, bí mật cất đi song Bùi Tùng Chi khi chú giải
“Tam quốc chí”, lại rất hoài nghi về việc này, bởi trong đám quần hùng Tam