15 khoảnh ruộng, cái ăn cái mặc của con cái cũng được đầy đủ, còn về việc
dẫn quân ra ngoài, lại không cần lo về sự sinh hoạt, cái ăn cái mặc toàn bộ
đều do nhà nước cung cấp, nên không lo đến sản nghiệp riêng, của cải ít
nhiều đều không nghĩ đến làm gì. Phải khắc khổ như thế là mong mỏi sau
ngày thần mất, thì trong nhà chẳng có thừa vải lụa, ngoài thì chẳng có điền
sản gì, đề khỏi phụ lại sự tín nhiệm của bệ hạ đối với thần!”.
Sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện cho người xem xét của cải của Gia
Cát Lượng, quả nhiên như đã nói một chút cũng chẳng sai khác. Thực ra,
Gia Cát Lượng không phải không hiểu cách kiếm tiền, như trên đã nói ông
rất xem trọng đời sống nhân dân cho nên khi điều hành Thục Hán, kinh tế ở
đấy cũng khá giàu mạnh. Có thể lúc ấy không khí xa xỉ đua đòi khá nghiêm
trọng, Gia Cát Lượng muốn thay đổi phong tục, chỉ có cách dùng thuốc
đắng phải bắt đầu từ mình, lấy mình làm gương, thực hành tiết kiệm, cũng
là phản đối sự lãng phí.
Nỗ lực của Gia Cát Lượng đã phát huy không ít hiệu quả, không ít quan
chức cấp cao của Thục Hán, đều phỏng theo sự thanh bạch của Gia Cát
Lượng mà triệt để tiết kiệm ví như Đặng Chi là một nhà ngoại giao kiệt
xuất, “Tam quốc chí” kể rằng, ông ta không nghĩ đến tài sản riêng, vợ con
không tránh khỏi đói rét. Lại như đại tướng quân Khương Duy người kế
nhiệm Gia Cát Lượng về quân sự thì nhà cửa sơ sài, tài sản chẳng có gì
đáng kể, lại còn ham học không mệt, tiết kiệm đến mức thanh bạch. Cũng
phải kể đến tể tướng Phí Vỹ sau này, nhã nhặn khiêm nhường, nhà không
tích chứa của cải, con cái mặc áo vải thô ăn cơm chay, không thích ngựa xe,
chẳng khác người thường, do những nỗ lực như vậy mà Ích Châu yếu kém
dưới thời Lưu Bị, chẳng bao lâu trở thành một nơi ruộng đồng bát ngát, kho
tàng đầy ắp, khí giới sắc bén, của cải phong phú. Gia Cát Lượng sau này có
thể trường kỳ phát động chiến tranh bắc phạt là bởi dựa được vào sự giàu có
về của cải như vậy.