Khương Duy thấy đại thế bất lợi, hạ lệnh rút quân, Khúc Thành lập tức bị
cô lập, Câu An, Lý Hân phải đầu hàng, các bộ lạc người Khương phụ giúp
cũng bị bức rút về vùng núi. Đặng Ngải sau khi chiếm được Khúc Sơn bèn
nói với Trần Thái, quân chủ lực của Khương Duy chưa hề bị bẻ gãy, ắt sẽ
mau chóng quay trở lại, không gì bằng đóng đồn ở phía bắc Bạch Thủy, để
ngăn chặn triệt để quân Thục tiến về phía bắc.
Ba ngày sau quả nhiên Khương Duy phái Liêu Hoá tấn công vào quân Đặng
Ngải ở Bạch Thủy. Đặng Ngải tự mình đến quan sát tiền tuyến có nói:
“Quân Liêu Hoá nhiều hơn quân ta, lại không vội vượt sông hoặc làm cầu,
chắc là nghi binh vậy, Khương Duy ắt sẽ dẫn quân chủ lực đánh vào Thao
Thành, để lại tập kích vào vùng Ung Châu”.
Thao Thành cách Bạch Thủy 60 dặm, Đặng Ngải hạ lệnh thâu đêm khẩn
cấp hành quân, đến được Thao Thành sớm hơn Khương Duy, liền tăng
cường việc phòng ngự. Quả nhiên Khương Duy dẫn quân chủ lực đánh vào
Thao Thành, song không tiến triển được,đành phải rút về Hán Trung, kết
thúc chiến dịch bắc phạt lần thứ nhất với quy mô lớn.
Năm sau, Quách Hoài được thăng làm Quân kỵ tướng quân, Đặng Ngải
cũng trở thành quân chủ lực của chiến tuyến phía tây ngăn chặn Khương
Duy.
Cuối năm đó, Khương Duy lại tiến ra Tây Bình, song Đặng Ngải đã tăng
cường phòng thủ, không được gì mà phải rút lui.
Tháng 8 năm sau (năm 251 sau Công Nguyên), Tư Mã Ý qua đời, Vệ tướng
quân Tư Mã Sư làm Phủ quân đại tướng quân, Lục thượng thư.
Tháng 12, Đại tướng quân Phí Vỹ trở vể Thành Đô, song không khí Thành
Đô đã bại hoại, Phí Vỹ không đủ sức nắm giữ, đành trở về Hán Thọ đóng
đồn, để bình tĩnh suy nghĩ cách đối phó.
Tháng sau, Thượng thư Lã Nghệ từ trần, Thị trung Trần Chi tiếp nhiệm,
Hoạn quan Hoàng Hạo nhờ vậy mà thanh thế càng lớn.
Năm 252 sau Công Nguyên, Tư Mã Sư được thăng làm Đại tướng quân, so
với người cha lại càng nghiêm chỉnh dốc toàn lực nắm lấy quân quyền Tào
Ngụy.